Đánh giá chung ngành thuế, hải quan đang có chuyển biến tích cực nhưng chất lượng phục vụ của cán bộ công chức trong ngành vẫn bị nhiều đơn vị phàn nàn về sự tận tình, lắng nghe và gây khó khăn cho khách hàng.
Cán bộ không chỉ "lạnh lùng" làm đúng trách nhiệm
Đây là kết quả khảo sát tại 180 đơn vị là các hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã trong thời gian từ tháng Chín đến tháng Mười năm nay vừa được công bố chiều 12/12.
Báo cáo được thực hiện, giám sát bởi 6 cơ quan là: Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài chính, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Doanh nhân trẻ Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Nói rõ hơn về kết quả báo cáo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI cho biết, trong khi có 23% đơn vị đánh giá ở mức tốt và rất tốt với chỉ tiêu cán bộ thuế "không hách dịch, nhũng nhiễu gây khó khăn, phiền hà" thì tỷ lệ đánh giá kém và rất kém vẫn lên tới 27%. Chỉ tiêu tận tình, chu đáo của cán bộ thuế cũng được 19% đơn vị đánh giá là tốt và rất tốt nhưng 27% vẫn có đánh giá là kém và rất kém.
Tương tự, theo ông Tuấn, với ngành hải quan, tỷ lệ chỉ 21% đơn vị đồng tình rằng, cán bộ lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp ở mức tốt cho thấy mối quan ngại giống như với cơ quan thuế.
Theo đó, 26% đơn vị vẫn đánh giá sự tận tìnhchu đáo của cán bộ hải quan ở mức kém. Thậm chí, 30% hiệp hội được khảo sát cũng chấm mức "kém" với tiêu chí lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp với ngành hải quan.
Sự phục vụ của cán bộ thuế, hải quan cũng là vấn đề được ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh lại với quan điểm "cán bộ thuế, hải quan không chỉ lạnh lùng làm đúng trách nhiệm của mình."
Tỏ ra lo ngại với tỷ lệ hài lòng của các đơn vị về vấn đề này, ông Lộc cho rằng, đây là một trong những dư địa cải cách của ngành thuế và hải quan trong thời gian tới.
Đồng tình với vấn đề trên, bà Phạm Thu Hương, Phó Trưởng ban Dân chủ-Pháp luật, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khẳng định, càng xuống dưới, tới các chi cục và cán bộ công chức ngành thuế hải quan ở nhiều nơi, sức lan tỏa sức nóng của nghị quyết 19 chưa như mong đợi.
"Dù cơ chế chính sách hoàn hảo bao nhiêu thì con người quan trọng vẫn là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỗ này, chỗ khác tắc lại thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cả quá trình cải cách," bà Hương nói.
Rà soát lại những văn bản nhiều... "không"
Nói thêm mức độ phiền hà với các thủ tục thuế hiện tại, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, 70-80% khách hàng tỏ ra hài lòng nhóm khai thuế, đăng ký thuế hoặc nộp thuế.
Ngược lại, theo đại diện VCCI, vẫn có một số thủ tục bị đánh giá còn nhiều trở ngại, trong đó đầu bảng là nhóm thanh kiểm tra thuế (64% đánh giá là phiền hà và tương đối phiền hà), tiếp đến là nhóm hoàn thuế và miễn giảm thuế (57%).
Với ngành hải quan, báo cáo cho thấy, những nhóm thủ tục gây phiền hà tập trung ở khâu giải quyết khiếu nại, xử lý vi phạm hành chính và thủ tục thông quan.
Phiền hà cụ thể được phía doanh nghiệp nêu lên là thời gian giải quyết quá dài (69% đồng ý), yêu cầu cung cấp thêm nhiều loại thông tin, giấy tờ không cần thiết (62%). Ngoài ra, việc các cán bộ hải quan không hướng dẫn đầy đủ tận tình cũng góp phần gây trở ngại cho doanh nghiệp.
Đây là những khó khăn theo ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương một phần xuất phát từ hàng trăm văn bản chuyên ngành hiện tại.
Điểm ra hàng loạt những "cái không" của các văn bản ngành tài chính hiện tại như: không nhất quán, không rõ ràng, không minh bạch, không hiệu quả,..., ông Cung khẳng định, điều này khiến thời gian thực hiện thủ tục bị kéo dài.
Vấn đề ông Cung nêu lên nhận được sự đồng tình từ phía bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam. Bà Cúc đề xuất các cơ quan chức năng cần rà soát lại các văn bản hướng dẫn như trên để việc triển khai được minh bạch, thống nhất và phòng ngừa việc mỗi nơi hiểu một cách.
Góp thêm ý kiến, ông Nguyễn Văn Thân, Quyền Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, cần tập trung nguồn lực để đẩy nhanh hơn nữa khâu nộp thuế, thông quan điện tử.
Đây là giải pháp theo ông "đang làm tốt rồi nhưng phải nhanh hơn vì chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp hiện tại."
Về phần mình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, với cuộc khảo sát năm tiếp theo, các cơ quan chức năng có thể tập trung vào những điểm yếu kém đã nêu trước đó để lãm kỹ.
Ông cũng gợi ý, có thể triển khai thí điểm đánh giá tại từng tỉnh và nên chọn những tỉnh, thành phố có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu lớn, đóng thuế lớn, một số địa phương có cửa khẩu biên giới để các tỉnh tự "soi" mình. Số lượng tỉnh theo ông có thể khoảng 10-15 địa phương./.