Nhằm đảm bảo thực hiện tốt các cam kết đối với người tiêu dùng về nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng và giá cả ổn định, nhiều doanh nghiệp, nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực "chạy nước rút" để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, trong đó, nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh đã tăng sản lượng hàng hóa phục vụ thị trường Tết lên 20-30%.
Tăng sản lượng hàng thiết yếu
Dự báo sức mua các mặt hàng bánh, mứt, kẹo... trong dịp lễ, Tết luôn tăng cao so với ngày thường, các công ty bánh kẹo đã tăng sản lượng phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 lên 10-20% so với năm trước.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp cho rằng mức tiêu thụ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo... dịp Tết năm nay có thể đạt hơn 18.000 tấn, do đó đã chủ động tung ra thị trường sản phẩm mới mẫu mã đẹp, chất lượng được nâng cao, với giá cả không tăng đáng kể so với năm trước.
Theo đại diện Công ty cổ phần Bibica, để đáp ứng nhu cầu thị trường Tết, đơn vị này sẽ chuẩn bị nguồn hàng khoảng 1.600 tấn bánh, kẹo các loại, tăng 20% so với cùng kỳ. Tính đến thời điểm này, Bibica đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầy đủ, khai thác hết 100% công suất, chạy nước rút sản xuất bánh, kẹo cho thị trường Tết.
Không chỉ các mặt hàng bánh, mứt, kẹo, những mặt hàng bia, nước giải khát cũng được dự báo có nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tăng 30% so với tháng thường. Vì vậy, bên cạnh đảm bảo nguồn cung hàng hóa trong dịp Tết, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng bia, nước giải khát chủ động thực hiện nhiều giải pháp bình ổn giá và không tăng giá trong tháng Tết.
Trao đổi với phóng viên, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho biết Vissan chi hơn 600 tỷ đồng để chuẩn bị lượng hàng dự trữ phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Bính Thân 2016. Cụ thể, Vissan sẽ cung ứng ra thị trường hơn 3.000 tấn thịt gia súc, 1.500 tấn thực phẩm chế biến.
Đồng thời, để góp phần triển khai tốt Chương trình Bình ổn thị trường của Thành phố Hồ Chí Minh, đảm bảo nguồn cung hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định, Vissan còn chuẩn bị thêm lượng hàng dự trữ hơn 20% so với số lượng đăng ký.
Tương tự, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, thực phẩm chế biến, rau củ, quả... trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Công ty trách nhiên hữu hạn Ba Huân, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, Công ty cổ phần thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, Công ty cổ phần Kinh đô, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất-thương mại Tân Quang Minh (Bidrico)... đều tăng sản lượng hàng hóa phục vụ Tết lên 30% so với cùng kỳ.
Đánh giá về việc chuẩn bị hàng hóa phục Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 của các đơn vị tham gia Chương trình Bình ổn thị trường và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố nhấn mạnh trên cơ sở dự báo tình hình thị trường những tháng cuối năm, tập trung phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt là liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để triển khai những giải pháp đảm bảo cung ứng hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường, ổn định giá cả hàng hóa.
Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho hai tháng Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 là hơn 16.208 tỷ đồng; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 6.864 tỷ đồng.
Siêu thị bán hàng Tết sớm
Năm nay, Tết Dương lịch 2016 và Tết Nguyên đán Bính Thân chỉ cách nhau hơn 1 tháng, do đó để nắm bắt cơ hội kinh doanh hàng Tết, vào thời điểm này các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị và cửa hàng kinh doanh đã nhộp nhịp giới thiệu hàng Tết ra thị trường.
Theo nhận định của một số người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, các sản phẩm phục vụ cho thị trường Tết năm nay do doanh nghiệp trong nước sản xuất có mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú và chất lượng được cải tiến đáng kể so với trước. Điều này cho thấy người tiêu dùng tiêu dùng ngày càng ưu tiên mua sắm, tiêu dùng hàng Việt cũng như ưu chuộng sản phẩm nội.
Ghi nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh, các nhà bán lẻ không chỉ cho hàng Tết lên kệ mà còn dành riêng khu vực trưng bày để giới thiệu hàng hóa phục vụ Tết đến người tiêu dùng. Đại điện hệ thống trung tâm thương mại Lottemart cho biết trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, đơn vị này sẽ tăng lượng hàng thiết yếu lên gấp ba lần so với tháng bình thường, trong đó, một số mặt hàng có lượng hàng hóa chuẩn bị tăng mạnh như bia, nước giải khát, bánh, kẹo, thịt lợn, trứng vịt... tăng từ 10-25%.
Tương tự, tại các hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), những sản phẩm phục vụ thị trường Tết được tập trung vào các mặt hàng mặt hàng sản xuất trong nước như thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, hàng may mặc, hàng gia dụng, đồ uống... Tổng lượng hàng hóa cung ứng cho 3 tháng trước, trong và sau Tết của Saigon Co.op đạt hơn 95.000 tấn, tăng gần 10% so với năm 2015.
Ông Hồ Quốc Nguyên, Giám đốc Quan hệ công chúng của hệ thống siêu thị Big C cho biết từ nhiều tháng trước, Big C đã chủ động lên kế hoạch cung ứng hàng hóa phong phú, đa dạng, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm tăng cao của người tiêu dùng mua sắm Tết. Đặc biệt, Big C tập trung vào những mặt hàng đặc trưng phục vụ cho nhu cầu lễ hội như thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói, sản phẩm gia dụng, đồ dùng gia đình, đồ điện tử, thời trang… Bên cạnh đó, Big C chú trọng, ưu tiên đảm bảo cung ứng đủ về số lượng và chủng loại đối với các loại hàng rau củ quả, thịt gia súc, gia cầm tươi sống... (ước tính khoảng 100 tấn/tuần cao điểm).
Ngoài việc, chuẩn bị nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng, giá cả ổn định, các đơn vị kinh doanh, nhà bán lẻ tại Thành phố Hồ Chí Minh còn tăng cường nguồn nhân lực, an ninh, giao hàng, trang thiết bị... để mang đến sự thoải mái nhất cho khách hàng khi mua sắm. Trong những ngày giáp Tết, nhiều các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh sẽ mở cửa sớm và đóng cửa muộn hơn thường lệ, để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân thành phố./.