Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20, chiều 13/12, Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm “Gặp gỡ Đoàn ngoại giao, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, kết nối địa phương, doanh nghiệp Việt Nam.”
Đây là sáng kiến mới, lần đầu tiên được tổ chức, mang tính chất kết nối tay ba giữa Đoàn Ngoại giao, Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài với địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tham dự sự kiện có 80 đại sứ, tổng lãnh sự Việt Nam tại nước ngoài; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, các cơ quan, đơn vị chức năng, tập đoàn, doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng cho biết: Cùng với sự phát triển chung của đất nước, quan hệ hợp tác quốc tế của các địa phương Việt Nam trên các mảng kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân ngày càng mở rộng; trong đó hợp tác kinh tế là lĩnh vực phát triển sôi động nhất.
Với mong muốn tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, cởi mở, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước, Chính phủ và các địa phương Việt Nam đồng lòng thúc đẩy nỗ lực cải cách thể chế trong nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; tham gia và ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, kết nối hơn 60 quốc gia, thiết lập quan hệ kinh tế với hơn 230 nền kinh tế.
Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những tâm điểm của mạng lưới các liên kết kinh tế, khẳng định sức hút của một nền kinh tế với độ mở cao của một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khu vực toàn cầu; uy tín, vị thế ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế cũng là một điểm cộng cho môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Tô Anh Dũng, với việc đảm nhiệm nhiều trọng trách như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch Hội đồng liên Nghị viện ASEAN, Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ và nhất quán đối với mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển. Những xung lực quan trọng này đã giúp Việt Nam trở thành điểm sáng trên bản đồ đầu tư toàn cầu.
[Nâng cao hiệu quả đối ngoại và hội nhập của các địa phương]
Mặc dù gặp nhiều khó khăn của dịch COVID-19, song năm 2020 ghi nhận dấu mốc thành công mới của Việt Nam về đầu tư FDI. Với tổng số vốn 16 tỷ USD, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI. Một đất nước Việt Nam năng động, đổi mới, trách nhiệm và uy tín đã, đang và sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, đầu tư nước ngoài là một động lực quan trọng cho tăng trưởng và hội nhập kinh tế. Chính phủ và các địa phương của Việt Nam đánh giá cao vai trò đóng góp và sự hỗ trợ quan trọng của khu vực kinh tế FDI đối với các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung cũng như sự phát triển ở các địa phương, đặc biệt là trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng.
“Chúng tôi tin tưởng và trông chờ sự đóng góp mạnh mẽ hơn nữa của khu vực FDI vào lĩnh vực chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, công nghệ xanh, hạ tầng xanh, bảo vệ môi trường, nông nghiệp thông minh, năng lượng tái tạo...” - Thứ trưởng Tô Anh Dũng chia sẻ.
Khẳng định sự đồng hành của các doanh nghiệp và địa phương đóng vai trò thiết yếu trên hành trình hội nhập và phát triển của Việt Nam, Thứ trưởng Tô Anh Dũng cho biết, Chính phủ Việt Nam xác định phương châm “xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.”
Trong những năm qua, hoạt động kết nối hai chiều giữa các địa phương, doanh nghiệp của Việt Nam với các đối tác nước ngoài đã trở thành một trong những trụ cột vững chắc của công tác ngoại giao kinh tế và đang ngày càng được đẩy mạnh, góp phần mở ra các cơ hội hợp tác mới, trải rộng trên hầu khắp các lĩnh vực đầu tư, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, chuyển đổi số, y tế, giáo dục, văn hóa...
Cho rằng sự tin cậy, hiểu biết, chân thành sẽ là nền tảng để vun đắp mối quan hệ tam giác chiến lược giữa các đối tác nước ngoài, doanh nghiệp và địa phương Việt Nam, Thứ trưởng Tô Anh Dũng nhận định, trong tam giác đó, các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các hiệp hội doanh nghiệp chính là các đường gạch nối đưa mối quan hệ này đi dài hơn, xa hơn và bền chắc hơn.
“Bộ Ngoại giao Việt Nam, với mạng lưới hơn 90 cơ quan đại diện tại nước ngoài luôn sẵn sàng làm nhịp cầu đưa các đối tác nước ngoài đến gần hơn với Việt Nam và đưa các doanh nghiệp, địa phương Việt Nam vươn tầm ra khu vực và thế giới. Trên mọi hành trình tìm kiếm, mở rộng thị trường, kết nối với các đối tác tiềm năng, xúc tiến và thu hút đầu tư, ngành Ngoại giao sẽ luôn đồng hành với các bộ, ngành, doanh nghiệp và địa phương, cùng đóng góp vào thành tựu phát triển chung của đất nước, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng,” Thứ trưởng Tô Anh Dũng khẳng định.
Đại biểu dự Tọa đàm đã thảo luận, chia sẻ ý kiến tại hai Phiên: Kết nối vì phát triển; Hợp tác đầu tư và thương mại; chia sẻ nhiều nội dung về bài học kinh nghiệm cũng như, quá trình hợp tác giữa các doanh nghiệp, địa phương với các đối tác nước ngoài./.