Doanh nghiệp và chất lượng là yếu tố cốt lõi để hàng Việt vươn xa

Nhìn lại 10 năm qua (2009-2019), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được một chặng đường dài trên hành trình chinh phục và tạo được niềm tin trong phần lớn người tiêu dùng
Các gian hàng Việt Nam chất lượng cao tại phiên chợ thu hút đông đảo người tiêu dùng quan tâm, mua sắm. (Ảnh: Thanh Sang/TTXVN)

Nhìn lại 10 năm qua (2009-2019), Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đi được một chặng đường dài trên hành trình chinh phục và tạo được niềm tin trong phần lớn người tiêu dùng.

Không những thế, Cuộc vận động còn khơi dậy được tiềm năng dồi dào về nguồn lực và năng lực kinh doanh, phân phối của mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ở những năm tiếp theo, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự phối hợp đồng bộ cũng như những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp chủ động và phát triển hơn trong điều kiện mới.

Chuyển biến mạnh mẽ

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động nhấn mạnh từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đến nay đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, 10 năm qua ngành Công Thương cùng với các thành viên khác trong Ban chỉ đạo Cuộc vận động đã góp phần tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ trên thị trường nội địa.

Báo cáo từ các Sở Công Thương cho thấy, tỷ lệ hàng Việt vẫn chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại và từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Hơn nữa, sau 10 năm thực hiện triển khai, Cuộc vận động đã phát huy được nguồn nội lực to lớn ở trong nước. 

Cụ thể, một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm. Đơn cử như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giầy chiếm khoảng 40-50%; áp dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất ô tô, chế biến sữa, sợi và dệt nhuộm nhằm tăng năng suất cũng như  chất lượng sản phẩm.

Những chuyển biến trên đã góp phần hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây.

[Vì sao nhiều nông sản Việt vẫn khó chen chân vào kênh bán lẻ hiện đại?]

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây...

Đây là điều kiện thuận lợi để ngành Công Thương thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, cháy hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng chỉ ra rằng nếu như trước đây người tiêu dùng Việt chỉ biết đến bút bi Thiên Long, giày dép Bitis… thì đến nay Việt Nam có thể tự hào khi giới thiệu với bạn bè quốc tế qua việc sản xuất thành công tivi, điện thoại smartphone và thậm chí cả xe máy và ôtô mang thương hiệu Việt.

Tuy nhiên, những tín hiệu vui trên có lẽ chưa phải là thành công mỹ mãn và hàng Việt muốn có chỗ đứng vững chắc còn phải nỗ lực khá nhiều.

Bởi kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Sanyo, Toyota, Samsung... Nhưng để người tiêu dùng trong nước tin tưởng và chọn mua thì phải phụ thuộc vào chất lượng hàng hóa.

Do vậy, Thứ trưởng khuyến cáo các doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, chinh phục lòng tin của người tiêu dùng.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Chính vì thế, cốt lõi của Cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và chất lượng của sản phẩm.

Nông sản an toàn được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Tiếp thêm sức mạnh

Được đánh giá là một trong những hệ thống phân phối bán lẻ thuần Việt uy tín, theo ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc thường trực Saigon Co.op, từ 2009 đến nay, Saigon Co.op đã liên tục nâng cấp chương trình “Tự hào hàng Việt” qua việc giảm giá sản phẩm, nhất là các sản phẩm thiết yếu nhằm gia tăng sức mua với mặt hàng sản xuất tại Việt Nam, thu hút sự hưởng ứng của người tiêu dùng.

Đến nay, chương trình quy mô nhất dành riêng cho hàng Việt này của Saigon Co.op đã có hành trình 21 năm đồng hành và chinh phục người tiêu dùng trong nước và từng bước đưa hàng Việt xuất ngoại.

Còn theo ông Nishitohge Yasuo, Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á, kiêm Tổng Giám Đốc Công ty Aeon Việt Nam, thời gian qua Aeon đã không ngừng nỗ lực cung cấp những thông tin về xu hướng của người tiêu dùng Nhật Bản nhằm giúp các doanh nghiệp Việt nâng cao sức cạnh tranh cũng như đáp ứng yêu cầu khắt khe khi đưa hàng vào chuỗi siêu thị Aeon Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc siêu thị Big C Việt Nam chia sẻ thời gian qua, hệ thống Big C đã phối hợp chặt chẽ với Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) tổ chức các tuần lễ nông sản an toàn như tuần lễ vải thiều Lục Ngạn, tuần lễ nhãn lồng Hưng Yên; tuần lễ cá Sông Đà; đặc sản tỉnh Hòa Bình-Sơn La, tuần lễ nhãn và nông sản an toàn tỉnh Sơn La... nhằm quảng bá hình ảnh hàng Việt.

Khảo sát mới đây cho thấy, 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.

Đặc biệt, hầu hết người tiêu dùng Việt Nam đều đánh giá cao chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, nhất là từ khi có Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” chất lượng và mẫu mã cũng được cải thiện, giá thành lại phù hợp với mặt bằng chung.

Để cuộc vận động ngày càng đi vào thực chất, tạo thêm sức mạnh cho hàng Việt, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh.

Ngoài ra, Bộ cũng khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hoá chuyên ngành hoặc kinh doanh hàng hoá tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các công ty kinh doanh dịch vụ logistic… Điều này sẽ góp phần tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt.

Bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động khẳng định giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ tiếp tục tham mưu đẩy mạnh thông tin tuyên truyền với các hình thức, nội dung cụ thể phù hợp với mỗi đối tượng, địa bàn, cộng đồng dân cư. Mặt khác, phát huy trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo để thực hiện Cuộc vận động đem lại hiệu quả cao nhất.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Cuộc vận động cần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong giai đoạn mới. Chẳng hạn như khuyến khích doanh nghiệp tăng năng suất lao động, tối ưu hóa nguồn lực, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ. 

Khẳng định sự nỗ lực lớn của ngành Công Thương trong việc góp phần vào thành công chung của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam,” Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao các đơn vị trong ngành công thương cũng như sự phối hợp nhịp nhàng của Ban Chỉ đạo Chương trình hành động của Bộ Công Thương với các địa phương trong cả nước. Cụ thể như việc kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp-khu chế xuất, xây dựng mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, để Cuộc vận động tiếp tục lan tỏa và phát huy mạnh mẽ, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo chương trình Cuộc vận động của Bộ Công Thương.

Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ Đề án phát triển thị trường trong nước gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với nhiều mô hình mới, cách làm hay.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan cần tiếp tục cố gắng, sáng tạo, tìm ra cách làm phù hợp với thực tiễn trong triển khai thực hiện Cuộc vận động. Điều này sẽ giúp khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của người Việt Nam, nâng cao chất lượng, uy tín của hàng hóa Việt Nam, chinh phục người tiêu dùng Việt Nam.

Hơn nữa, các Bộ, ngành, doanh nghiệp phải cùng nhau chung tay để nâng cao giá trị, bảo vệ thương hiệu và góp phần đưa hàng Việt Nam thâm nhập nhiều hơn nữa vào thị trường quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục