Cải cách thể chế và hội nhập mạnh mẽ là vận hội của khối doanh nghiệp tư nhân. Đây cũng là đường hướng được Chính phủ đặt ra để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Vận hội, thời cơ có song với những khó khăn còn đeo bám của nền kinh tế, khó khăn nội tại của doanh nghiệp, hay những điểm còn hạn chế của môi trường kinh doanh đã ảnh hưởng đến hoạt động của khối doanh nghiệp tư nhân, đến hành trình trở nên lớn mạnh của lực lượng doanh nghiệp này.
Chưa thể lớn và hệ lụy
Không chỉ một lần, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ sự ghi nhận những đóng góp cũng như tiềm năng của khối doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cũng cam kết tạo mọi điều kiện cho khối doanh nghiệp tư nhân phát triển. Gần đây có thể thấy rõ nét xu hướng doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào kết cấu hạ tầng, xuất phát từ chủ trương mở cửa cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực quan trọng này.
Những cái tên như Tập đoàn Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Trung Nguyên… được gây dựng bởi đội ngũ doanh nhân năng động, trở thành niềm tự hào của người Việt. Hiện diện trên cả trên thị trường trong nước và thương trường quốc tế song nhìn tổng thể doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự lớn mạnh và chưa tạo ra được tầm ảnh hưởng lớn.
Có vẻ như Việt Nam tập trung gia tăng số lượng doanh nghiệp mới nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp để có thể tận dụng được cơ hội từ chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo một nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện tại, các doanh nghiệp có quy mô lớn chỉ chiếm khoảng 2% và tương ứng như vậy là các doanh nghiệp quy mô vừa. Còn lại 95-96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (nếu xét theo tiêu chí là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Quy mô nhỏ nên có rất nhiều doanh nghiệp trong nước chưa đủ năng lực cạnh tranh để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Đáng lo ngại, Việt Nam vẫn rất thiếu các doanh nghiệp có quy mô vừa ở tất cả các ngành quan trọng. Điều này cho thấy thực tế các doanh nghiệp nhỏ trong nước không thể lớn lên thành doanh nghiệp có quy mô vừa.
Trên thực tế, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu là thấp so với các nền kinh tế có quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á.
Một nghiên cứu chỉ ra rằng chỉ có 36% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp) trong khi với Malaysia, Thái Lan thì tỷ lệ này là gần 60% . Chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia. Điều này cho thấy chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế Thái Lan, Malaysia ít bị phân tán và doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, chuyển giao kiến thức và nâng cao năng suất.
Trả lời câu hỏi Vì sao doanh nghiệp tư nhân chưa thực sự lớn mạnh dù sau 30 năm đổi mới và Luật Doanh nghiệp mở đầu cho những cởi trói về kinh doanh đã có 15 năm thực thi, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng bên cạnh những nguyên nhân quan trọng về vốn và quản trị nhân lực, còn do khó khăn về quỹ đất, những rào cản về thuế và đặc biệt là sự liên kết giữa khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp FDI tương đối thấp.
Những năm vừa qua, Việt Nam đã thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI, dù vậy, liên kết chuỗi giá trị kém và thiếu vắng các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ cho xuất khẩu đã làm giảm tác động lan tỏa của khối FDI đối với kinh tế trong nước. Trong khi, doanh nghiệp FDI hướng tới việc lắp ráp và sản xuất những sản phẩm tương đối cao cấp cho thị trường quốc tế, thì hầu hết các doanh nghiệp bản địa vẫn hướng về thị trường nội địa hoặc chỉ xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp.
“Rất ít doanh nghiệp tạo ra được thương hiệu sản phẩm của mình để bán ra thị trường quốc tế. Dường như doanh nghiệp tư nhân nội địa ngại ngần đầu tư vào những ngành sản xuất chế tạo, mà chủ yếu tập trung vào thương mại, dịch vụ, quay vòng vốn nhanh,” ông Đậu Anh Tuấn nhận xét.
Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản, nút thắt cản trở hoạt động của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc hoàn thiện môi trường kinh doanh như luật pháp chưa ổn định, còn thiếu minh bạch và khó tiên liệu.
Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có hiệu lực từ ngày 1/7 là bước đột phá tiếp tục tạo lập cơ sở pháp lý bảo đảm quyền tự do đầu tư, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Hàng loạt yêu cầu, điều kiện, thủ tục hành chính được bãi bỏ; doanh nghiệp cũng được trao thêm quyền chủ động trong hoạt động kinh doanh và tổ chức quản lý.
Sau hơn 1 tháng thực thi, hai luật được kỳ vọng rất nhiều trong việc cải thiện môi trường kinh doanh bị “mắc” do chưa có các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn, còn sự chồng chéo, chưa phù hợp giữa các văn bản có liên quan.
Giải pháp mở đường
Để xử lý kịp thời những vướng mắc, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về triển khai thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư, phối hợp với Văn phòng Chính phủ hoàn tất các thủ tục để Chính phủ ban hành trước ngày 15/9.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá tính hợp lý, hiệu quả của các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh, kiến nghị bãi bỏ hoặc sửa đổi. Nguyên tắc là bãi bỏ điều kiện đầu tư kinh doanh không cần thiết và không hợp lý, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ, thời gian thực hiện đối với nhà đầu tư; giảm thiểu hình thức xin cấp phép, xác nhận hoặc chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để chuyển sang áp dụng hình thức ban hành tiêu chuẩn, điều kiện để nhà đầu tư tự đăng ký thực hiện và cơ quan quản lý tiến hành hậu kiểm; đơn giản hóa các điều kiện đầu tư kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết 19/NQ-CP…
Những chỉ đạo này thể hiện sự quan tâm sâu sát tới việc thực thi hai luật này của Chính phủ nhằm thúc đẩy việc hoàn thiện môi trường kinh doanh song cũng cho thấy còn rất nhiều vấn đề mắc mớ trong khâu thực thi.
Có thể thấy tháo gỡ những khó khăn trong thực thi hai Luật tạo nền tảng quan trọng cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường một cách minh bạch. Đây là điều rất căn bản nhưng chưa đủ, còn rất nhiều việc cần phải làm.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trong lần trao đổi với báo giới, nhấn mạnh: “Chúng ta phải có nhiều hơn nữa những hỗ trợ cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.”
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thành lập một quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, năm nay cấp 500 tỷ đồng và sẽ còn nhiều hơn trong thời gian tới. Bộ cũng đang trình Chính phủ để tới cuối năm 2015 xây dựng một luật doanh nghiệp vừa và nhỏ và luật cho công nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, cũng phải chú trọng công tác đào tạo, cung cấp thông tin giúp doanh nghiệp tìm thị trường, thông tin về hội nhập, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuyển giao khoa học công nghệ. Những chính sách này sẽ tạo ra nền tảng cho doanh nghiệp từ khi hình thành và hỗ trợ những điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình hoạt động.
Doanh nghiệp tư nhân có lớn mạnh thì mới trở thành động lực phát triển cho nền kinh tế như kỳ vọng. Tất nhiên, đây là đích đặt ra cho dài hạn song bước đi tới mục tiêu này có được rút ngắn hay không phù thuộc rất nhiều vào việc gỡ bỏ những rào cản, nút thắt ảnh hưởng tới phát triển của doanh nghiệp. Ở góc độ Nhà nước là vậy, còn từ phía doanh nghiệp, một doanh nhân chia sẻ với phóng viên TTXVN rằng Nhà nước không ngừng hỗ trợ, doanh nghiệp phải biết tận dùng cơ hội. Và với đặc thù là doanh nghiệp tư nhân thì con đường đi sẽ cần phải quyết liệt hơn./.