Doanh nghiệp trốn thuế, phí: "Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên"

Không chỉ khai thác khoáng sản trái phép làm cạn kiệt tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường, nhiều doanh nghiệp khai khoáng còn tìm cách trốn nghĩa vụ đóng thuế, phí cho Nhà nước.
Hoạt động khai thác đá trắng tại huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm ngành khai khoáng nước ta xuất khẩu hàng triệu tấn than, quặng, vàng và đá quý ra thị trường thế giới, thế nhưng cho đến nay, không ít doanh nghiệp khai thác khoáng sản vẫn cố tình chây ỳ nộp thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn viện đủ lý do để tìm cách trốn "khoản nợ ngân sách” khổng lồ lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trước thực trạng đáng lo ngại này, ngành thuế các tỉnh cho biết đã đưa ra không ít giải pháp mạnh tay, kể cả cướng chế, thế nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “im hơi lặng tiếng,” trong khi tài nguyên đã bị "rút ruột" đến cạn kiệt và người dân vùng mỏ vẫn phải chịu cảnh đói nghèo.


Doanh nghiệp tuyên bố phá sản để “trốn” thuế-phí

Bà Chu Thúy Oanh, Cục phó Cục Thuế tỉnh Cao Bằng - một trong những địa phương được đánh giá là giàu tài nguyên nhất ở vùng Đông Bắc, cho biết Cao Bằng từng sở hữu rất nhiều loại khoáng sản quý, nhất là quặng và vàng. Nhìn vào tiềm năng này, nhiều người tin rằng khoáng sản sẽ góp phần cải thiện đời sống kinh tế-xã hội của người dân địa phương.

Thế nhưng, trái ngược với tiềm năng do thiên nhiên ban tặng, những năm gần đây, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng lại đua nhau đóng cựa mỏ, nợ đọng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường rất phổ biến.

Theo bà Oanh, nguyên nhân của tình trạng nợ thuế-phí này, một phần là do trước đây các doanh nghiệp khai thác khoáng sản được phép xuất khẩu thô, còn nay họ bắt buộc phải đầu tư dàn máy móc chế biến có nhiều tốn kém. Phần nữa, trữ lượng khoáng sản thăm dò theo số liệu điều tra ban đầu lại chênh lệch lớn so với giá trị thực mà họ khai thác nên rất nhiều doanh nghiệp đã kêu khó khăn.

“Tuy nhiên, cái chính là lâu nay các doanh nghiệp được phép đóng thuế-phí theo nguyên tắc tự kê khai sản lượng khai thác. Điều này chắc hẳn sẽ dẫn tới việc gian lận nguồn thu. Chính vì thế, sau một thời gian khai thác, không ít doanh nghiệp tư nhân đã ‘tuyên bố’ phá sản để chây ỳ nghĩa vụ nộp thuế, phí,” bà Oanh nhấn mạnh.

Dẫn chứng tình trạng nợ thuế-phí tại địa phương, bà Oanh cho biết, tính đến ngày 11/8/2014, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn có 12 doanh nghiệp khai thác khoáng sản nợ thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường gần 26 tỷ đồng. Trong đó, Công ty cổ phần khoáng sản và công nghiệp Cao Bằng nợ gần 8 tỷ đồng; Công ty cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Barit và Chì nợ gần 6,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần công nghiệp Mănggan Cao Bằng nợ gần 5,7 tỷ đồng…

Hình ảnh phổ biến sau khi doanh nghiệp rút ruột khoáng sản. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Là người từng trực tiếp đi “gõ cựa” các doanh nghiệp nợ thuế-phí, ông Hoàng Đức Tín, Chi cục Thuế huyện Hòa An (tỉnh Cao Bằng), cho biết tình trạng doanh nghiệp nợ thuế và từ lâu đã trở thành “căn bệnh” khó chữa. Chính vì thế, đến nay, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn còn nợ hơn 1,5 tỷ đồng; trong đó phần lớn doanh nghiệp nợ thuế là những doanh nghiệp tư nhân.

“Thẳng thắn mà nói thì các doanh nghiệp tư nhân rất chây ỳ. Cái khó ở đây là họ không có tài khoản, trong khi khoáng sản họ đã mang đi hết rồi, nên mặc dù chúng tôi đã thường xuyên gọi điện giục nhưng họ không nghe máy. Thậm chí, chúng tôi đã tiến hành cưỡng chế nhưng vẫn không thu được nợ,” ông Tín ngao ngán.

Lỗi từ doanh nghiệp đến… chế tài

Không chỉ ở Cao Bằng, mà nhiều doanh nghiệp khoáng sản ở các tỉnh giàu tài nguyên khoáng sản ở miền Bắc (như Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang), sau một thời gian dài ra sức “rút ruột” tài nguyên cũng viện đủ lý do để trốn nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên và phí bảo vệ môi trường cho Nhà nước.

Đơn cử như tại Bắc Kạn - một trong những địa phương giàu tài nguyên khoáng sản nhất ở vùng Đông Bắc với 165 mỏ và điểm quặng, thế nhưng, vì “dễ dãi” trong công tác quản lý nên không ít doanh nghiệp đã cố tình trốn thuế và phí bảo vệ môi trường lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Trong đó, Công ty Cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát khai thác mỏ vàng sa khoáng Bản Nghiểng-Vằng Ma tại xã An Thắng, huyện Pác Nặm dẫn đầu “bảng nợ đọng dài hạn,” với khoản tiền lên đến gần 180 tỷ đồng (số liệu tính đến hết năm 2013).

Bà Chu Thúy Oanh, Cục phó Cục thuế tỉnh Cao Bằng giãi bày về những khó khăn của ngành thuế. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Đánh giá về thực trạng nợ thuế-phí của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cho rằng, việc các doanh nghiệp không chấp hành nộp các khoản thu cho Nhà nước là do lỗi của cả doanh nghiệp và nhà quản lý. Theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc, lỗi doanh nghiệp là do ý thức, trách nhiệm. Tuy nhiên, lỗi chính là do đơn vị quản lý chưa có chế tài nghiêm minh mang tính chất răn đe. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng chưa có cơ chế đồng bộ để doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm của mình. “Trong những năm gần đây, khai thác khoáng sản chịu nhiều ảnh hưởng của thay đổi cơ chế chính sách. Xuất khẩu khoáng sản thuế suất 0%, phí môi trường hầu như không có trong khi giờ đây mọi thứ đều tăng rất cao. Doanh nghiệp còn phải đóng tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Cũng cần phải nói, khoáng sản càng khai thác xuống sâu càng khó khăn thì chi phí càng cao. Do vậy, nhiều doanh nghiệp không còn nguồn để đóng góp cho trách nhiệm xã hội và buộc phải trốn. Ngoài ra, có những doanh nghiệp khai thác có lãi nhưng cũng trốn. Đó là do chế tài,” Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc phân tích. Quay trở lại câu chuyện nợ thuế-phí ở tỉnh Cao Bằng, bà Chu Thúy Oanh, Cục phó Cục Thuế tỉnh Cao Bằng thành thật, về phía địa phương, tỉnh Cao Bằng đã làm rất quyết liệt nhưng trong quá trình doanh nghiệp khai thác cũng nảy sinh một số vấn đề như: Tình trạng doanh nghiệp gian lận nguồn thu, bởi họ tự kê khai sản lượng khai thác. “Thậm chí, những năm gần đây, một số doanh nghiệp tư nhân còn gian lận các khoản thu, bởi họ thường xuyên thay đổi kế toán nên việc thống nhất các con số vẫn chưa thực sự minh bạch,” bà Oanh băn khoăn. Trước thực trạng nêu trên, bà Oanh cho rằng, để “ép” doanh nghiệp khai thác khoáng sản phải tuân thủ nghĩa vụ thuế-phí, cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cùng với đó, “cơ quan quản lý cần phải đưa ra chế tài xử lý mạnh tay, chứ không nên để doanh nghiệp ra sức tận thu, tự khai báo sản lượng rồi kêu ‘đói’ tài nguyên để rồi trốn thuế-phí được,” bà Oanh kiến nghị../.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục