Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã giúp nhiều doanh nghiệp Canada tiến vào thị trường Việt Nam, trong khi doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tìm ra hướng đi cho hàng hóa vào thị trường Bắc Mỹ này.
Tại cuộc gặp đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn tỉnh Ontario Lisa Thompson đã rất tâm đắc giới thiệu về một sàn giao dịch nông sản mang tên Ontario Food Terminal (OFT).
Đây có thể là cửa ngõ đón các sản phẩm và trái cây nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Bắc Mỹ, đồng thời là hình mẫu để Việt Nam nghiên cứu triển khai trong tương lai.
Bà Trần Thu Quỳnh, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam, khi trả lời phóng viên TTXVN tại Ottawa cho hay Bộ trưởng Thompson vừa tới thăm Việt Nam hồi tháng 2/2023.
Chuyến thăm lần này của đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy mối quan tâm rất lớn của hai bên về khả năng hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là việc nghiên cứu và xây dựng sàn giao dịch nông sản làm đầu mối cho cả miền Đông và Tây Nam Bộ.
[Xuất khẩu nông sản: Đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe để mở rộng thị trường]
Sàn giao dịch OFT nằm trong khuôn viên 16ha, đóng vai trò là trung tâm phân phối bán buôn các sản phẩm nông nghiệp và trái cây lớn nhất Canada. Nó được chia thành hai khu cho thuê riêng biệt gồm khu chợ của khoảng hơn 400 nông dân buôn bán trực tiếp và Khu kho lạnh gồm 20 nhà kho dành cho các đầu mối bán buôn.
Đây là sàn giao dịch nông sản lớn thứ ba khu vực Bắc Mỹ sau Los Angeles và Chicago (Mỹ) khi tính về khối lượng giao dịch phân phối sản phẩm, lên tới khoảng hơn 1 triệu tấn mỗi năm.
Sàn giao dịch không mở cửa cho công chúng như kiểu chợ đầu mối được hoạt động dưới sự giám sát nghiêm ngặt của Hội đồng quản trị do Cơ quan Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn bang Ontario thành lập.
Thương nhân buôn bán tại sàn giao dịch này đều phải đóng phí hàng năm khoảng 2.000 CAD (1.496 USD) mỗi người, chưa kể tiền thuê kho bãi.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, nhận xét đây là một kiểu mô hình nhà nước hỗ trợ, nhưng để cộng đồng doanh nghiệp tự quản trị và điều hành thông qua một hội đồng quản trị là những người trực tiếp vận hành sàn giao dịch.
Có thể hiểu đây là mô hình tự quản và hoạt động trên cơ sở là một doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch không chỉ vì lợi nhuận mà còn phục vụ việc buôn bán của những người tham gia.
Hội đồng quản trị của sàn giao dịch hiện có 45 thành viên và hoạt động liên tục 24 giờ mỗi ngày. Cả những người điều hành và sàn giao dịch này không được hưởng lương ngân sách từ chính quyền, tất cả chi phí cho hạ tầng cũng như cho con người đều do các khoản phí đóng hàng năm của những người buôn bán tại đây.
Sàn giao dịch cũng là nơi kết nối trực tiếp giữa các nhà xuất, nhập khẩu, trong đó phía nhập khẩu luôn sẵn sàng hỗ trợ về thủ tục để đưa hàng hóa vào Canada.
Ông Lino Vittorio, Giám đốc điều hành nhà phân phối sản phẩm nhập khẩu Johnvince, cho biết để nhập khẩu vào đây, doanh nghiệp sẽ phải làm việc với nhiều cơ quan khác nhau, với nhiều quy định liên quan.
Tuy nhiên, vấn đề của hàng hóa Việt Nam vào Canada có khoảng cách về địa lý. Do vậy, cần phải tính tới việc vận chuyển và bảo quản lạnh thế nào. Ông cho hay công ty của ông luôn tìm kiếm nhập khẩu các sản phẩm mới.
Hiện Johnvince đang nhập khẩu hạt điều từ Việt Nam và trong thời gian tới có thể là thanh long hay xoài, miễn là các sản phẩm nhập khẩu vào Canada giữ được độ tươi ngon. Việc liên hệ với một trong số những nhà nhập khẩu như Johnvince ở đây không phải là vấn đề.
Thông qua sàn giao dịch này, các sản phẩm được tiêu thụ đều phải đạt chuẩn mực về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy cách, mẫu mã, hay đóng gói và bao bì. Các giao dịch ở đây đều được công khai, minh bạch, tạo nền tảng giúp các sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn vừa có thể được sử dụng trong Canada vừa có thể xuất khẩu tiếp.
Phạm vi phân phối của sàn giao dịch bắt đầu từ Fort Albany, điểm cực Bắc của Ontario, đến Windsor ở phía Nam, rồi xa hơn về phía Tây là tỉnh British Columbia hay về phía Đông đến Newfoundland. Đồng thời, hàng hóa từ sàn này có thể được xuất khẩu sang quốc gia láng giềng phía Nam là Mỹ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, sàn giao dịch nông sản OFT là mô hình hay đáng học hỏi, vừa phát huy được vai trò định hướng, hỗ trợ, tạo điều kiện nhưng không làm thay hay có sự can thiệp của nhà nước. Sàn phát huy được sự chủ động, kinh nghiệm quản trị điều hành của lĩnh vực tư nhân.
Đây là một mô hình kinh doanh, nhưng không thuần túy chạy theo lợi nhuận mà còn quy trở lại phục vụ lợi ích của chính những người tham gia vào sàn giao dịch này./.