Doanh nghiệp thủy sản kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương

VASEP kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xem xét, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.
Một mô hình nuôi tôm ở Sóc Trăng. (Nguồn: TTXVN)

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa gửi công văn đến Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam.

Trong công văn, VASEP nêu vấn đề ngành nuôi trồng thủy sản Việt Nam đã khẳng định vị trí và tầm quan trọng trong suốt 20 năm qua khi không chỉ đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp mà còn tạo ra việc làm cho hàng triệu lao động trên toàn chuỗi thủy sản, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước và ổn định an sinh xã hội ở nhiều tỉnh, thành phố.

Trong 11 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022, có đến 62% là đóng góp từ nuôi trồng thủy sản.

Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, ngày càng nhiều tác động khiến ngành đang chịu ảnh hưởng lớn. Tác động của dịch bệnh COVID-19, xung đột Nga-Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, chi phí logistics tăng cao, lạm phát và đặc biệt giá nguyên liệu đầu vào sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản tăng cao kỷ lục, không ổn định, dẫn đến giá thành sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm thủy sản đều cao.

Tình trạng trên ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của ngành thủy sản Việt Nam với các nước đối thủ như Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc... và các kế hoạch phát triển bền vững của ngành.

Cụ thể, cùng mặt bằng so sánh và cỡ thu hoạch tôm, giá tôm nguyên liệu Việt Nam đang cao hơn từ 20-30% so với giá tôm nguyên liệu của Ấn độ và Ecuador.

Để giảm bớt khó khăn cho người nuôi trồng, góp phần tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam, VASEP kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam xem xét, điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu khô đậu tương từ mức 2% về mức 0%.

Liên quan đến vấn đề này, trước đó Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cùng với Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đã có công văn kiến nghị giảm thuế nhập khẩu khô đậu tương từ 2% xuống 0% để hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước đang hết sức khó khăn do giá đầu ra giảm mạnh.

[Ngành tôm phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD trong 2023]

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, ngành chăn nuôi hiện nay đang gánh chịu thiệt hại nặng nề từ ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến sự trên thế giới và tình hình kinh tế suy thoái, dẫn tới giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, trong khi sức mua trên thị trường lại giảm mạnh, khiến người chăn nuôi và cả doanh nghiệp thua lỗ.

Nhằm hỗ trợ cho ngành chăn nuôi trong nước, Chính phủ đã có chính sách điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng lúa mì từ 3% xuống 0%, bắp (ngô) giảm từ 5% xuống 2% từ đầu năm 2022. Tuy nhiên, thuế nhập khẩu đối với khô đậu tương vẫn giữ nguyên trong khi đây là mặt hàng có giá trị nhập khẩu cao nhất và là nguyên liệu chính để sản xuất cám cho lợn và thủy sản. Vì vậy, việc giữ nguyên mức thuế này gây áp lực rất lớn lên chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi.

Theo Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam, khô đậu tương là mặt hàng chiếm tỷ trọng cao nhất về giá trị trong các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trong khi nguyên liệu nhập khẩu chiếm đến 85-90% giá thành. Điều này khiến 45-50% trang trại lớn treo chuồng và khoảng 70-75% hộ chăn nuôi ngừng tái đàn.

Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài mà không có sự can thiệp, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành thì tất yếu sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng trong ngành chăn nuôi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục