Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc

Từ tháng 5 do thời tiết bất lợi làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản, cùng với đó là thị trường bước vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm nên dự báo ngành hàng này giảm tốc trong quý 3.
Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc ảnh 1Dây chuyền chế biến tôm đông lạnh xuất khẩu của Công ty Cổ phần thủy sản Minh Phú Hậu Giang. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Trong khi kết quả sản xuất kinh doanh ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ thời gian qua, doanh nghiệp thủy sản đang đối diện với tình hình xuất khẩu có dấu hiệu hạ nhiệt. Điều này được dự báo có thể ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi tăng nóng từ 39- 62% trong 4 tháng đầu năm, từ tháng 5, xuất khẩu thủy sản đã có dấu hiệu hạ nhiệt, tăng trưởng chậm lại.

Xuất khẩu tăng 34% trong tháng 5 và tăng 18% trong tháng 6. Sang tháng 7, xuất khẩu thủy sản tiếp tục chững lại với giá trị xuất khẩu 970 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước và giảm 4% so với tháng trước.

Theo bà Lê Hằng, Phó giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại VASEP, nguyên nhân xuất khẩu giảm tốc từ tháng 5 do thời tiết bất lợi, mưa sớm hơn so với mọi năm làm ảnh hưởng đến sản lượng thủy sản.

Về phía các công ty thủy sản cho biết tồn kho tại các thị trường xuất khẩu, đặc biệt là Mỹ đã đạt mức cao, do khối lượng nhập khẩu cao trong khoảng thời gian từ tháng 1-5 vừa qua. Cùng với việc vào mùa xuất khẩu thủy sản thấp điểm, dự kiến tăng trưởng xuất khẩu sẽ giảm tốc trong quý 3.

[Các doanh nghiệp thủy sản đối diện áp lực chi phí và nguyên liệu]

Ở góc độ phân tích với doanh nghiệp xuất khẩu tôm, chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, giá bán bình quân của tôm thẻ chân trắng Việt Nam hiện đã cao hơn Ấn Độ và Ecuador tại thị trường Hoa Kỳ, nên các doanh nghiệp xuất khẩu khó có thể giữ giá bán bình quân của tôm cao như mức giá trong nửa đầu năm 2022.

Theo SSI, điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp chế biến tôm vốn lấy thị trường Mỹ là thị trường xuất khẩu chính, do giá tôm nguyên liệu dự kiến sẽ cao hơn trong nửa cuối năm 2022 do nguồn cung thiếu hụt vì dịch bệnh bùng phát.

Về thị trường xuất khẩu cá tra, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng xuất khẩu trong quý 3 sẽ chậm lại so với quý 2 trước khi phục hồi vào quý 4.

Tháng 7, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ giảm đáng kể về lượng trong khi giá bán vẫn ở mức cao do lạm phát lương thực toàn cầu cao. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc có thể hồi phục do gỡ bỏ chính sách tạm ngừng nhập khẩu đối với thực phẩm đông lạnh nhiễm COVID-19. Nhu cầu cá tra ở Trung Quốc đang dồi dào sau hai năm giảm nhập khẩu.

VDSC kỳ vọng sự gia tăng xuất khẩu vào thị trường này có thể bù đắp một phần cho sự sụt giảm của thị trường Mỹ và các công ty có thị trường xuất khẩu chính sang Trung Quốc có thể được hưởng lợi.

Dù vậy, giới phân tích cho rằng, nhu cầu mặt hàng thủy sản sẽ tăng nhanh trong tháng 9, ngay trước kỳ nghỉ lễ từ tháng 11 đến tháng 12 để chuẩn bị cho mùa lễ hội, song khó có thể trở lại mức đỉnh trong những tháng đầu năm.

Doanh nghiệp thủy sản đối diện dấu hiệu xuất khẩu giảm tốc ảnh 2Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Như Công ty Vĩnh Hoàn có các đơn đặt hàng để sản xuất đến hết quý 3 và các đơn đặt hàng quý 4 với giá bán bình quân dự kiến sẽ ngang bằng với quý 2. Hiện doanh nghiệp này đang tập trung vào chiến lược mở rộng cơ sở khách hàng tại Trung Quốc khi cố gắng thâm nhập vào phân khúc cao cấp vốn có giá cả ít biến động.

Song song đó, doanh nghiệp thủy sản có thể hưởng lợi từ thông tin Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. Sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu làm nguyên liệu để gia công xuất khẩu, sản xuất xuất khẩu được miễn kiểm dịch.

Đại diện VASEP đánh giá Thông tư 06/2022/TT-BNNPTNT thực sự tháo gỡ một gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp thủy sản, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để gia công, sản xuất xuất khẩu trong bối cảnh nguồn nguyên liệu trong nước không ổn định và thiếu hụt theo mùa vụ, gặp khó khăn vì thời tiết và các chi phí quá cao.

Đối diện với thị trường nguyên liệu, Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I chuẩn bị khởi công xây dựng nhà máy chế biến số 3, nâng tổng công suất chế biến từ 450 tấn nguyên liệu/ngày lên mức 900 tấn/ngày để đảm bảo nhu cầu sản xuất và tăng giai đoạn 2023-2025.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam ước tính nếu nhà máy thủy sản số 3 được vận hành đầu năm 2023, IDI sẽ cần khoảng 164.000 tấn cá nguyên liệu cho cả năm và sản lượng thành phẩm ước tính đạt 93.800 tấn, tăng 65% so với sản lượng ước tính năm 2022.

Trước đó, các doanh nghiệp trên báo lãi quý 2 tăng gấp nhiều lần cùng kỳ năm ngoái. Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I công bố báo cáo tài chính công ty mẹ với doanh thu thuần 1.578 tỷ đồng, tăng 41%; lợi nhuận gộp đạt 378 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp lý giải doanh thu tăng nhờ doanh số bán hàng và giá bán cùng tăng. Biên lợi nhuận cải thiện từ 9,7% lên 24% nhờ doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu giá tốt và giá cá xuất khẩu trên thị trường tăng cao.

Công ty Vĩnh Hoàn cũng ghi nhận doanh thu hợp nhất quý 2 đạt 4.226 tỷ đồng, tăng 80,4%; lãi ròng 784 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ năm trước và thiết lập kỷ lục mới. Theo doanh nghiệp, sản lượng và giá bán đều tăng là động lực giúp lợi nhuận tăng cao. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Vĩnh Hoàn đều phục hồi tốt trong nửa đầu năm, đặc biệt là thị trường Mỹ.

Thực phẩm Sao Ta - đơn vị thành viên Công ty Tập đoàn PAN cũng báo lãi sau thuế 118,4 tỷ đồng, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 114 tỷ đồng, tăng 50,4%. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý của doanh nghiệp. Theo lý giải của doanh nghiệp này, lãi ròng quý này tăng chủ yếu nhờ thu hoạch dứt điểm tôm tự nuôi vụ đầu tiên năm nay, làm giá vốn giảm.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (6/8), cổ phiếu VHC của Công ty Vĩnh Hoàn niêm yết ở mức 81.800 đồng, cổ phiếu IDI của Công ty Đầu tư và Phát triển đa quốc gia I.D.I niêm yết ở mức 19.900 đồng, cổ phiếu PAN của Công ty Tập đoàn PAN niêm yết mức nức 23.850 đồng/đơn vị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục