Doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cần định hướng tiếp cận thị trường

Sản xuất công nghiệp TP. HCM đang chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, sụt giảm sức mua trên cả thị trường trong và ngoài nước nên doanh nghiệp rất cần hỗ trợ định hướng tiếp cận thị trường.
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty Cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu May Phương Nam (quận Gò Vấp). (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, sản xuất công nghiệp cũng nằm trong xu hướng chung của kinh tế thành phố qua 8 tháng đầu năm là chưa lấy lại đà tăng trưởng.

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp thành phố đang chịu tác động tiêu cực từ dịch COVID-19, sụt giảm sức mua trên cả thị trường trong và ngoài nước, nên doanh nghiệp cần hỗ trợ định hướng tiếp cận thị trường.

Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm

Tính chung 8 tháng năm 2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn thành phố giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,4%; sản xuất và phân phối điện giảm 1,8%...

Riêng tháng 8/2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 4% so tháng 7/2020. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lần 2 tại Việt Nam từ cuối tháng 7/2020.

Thêm vào đó, một số nước là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam vẫn chưa mở cửa hoàn toàn, nên trong tháng 8/2020 nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ cho sản xuất tiếp tục bị thiếu hụt và thị trường tiêu thụ hàng hóa gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, đối với 4 ngành công nghiệp trọng điểm, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2020 giảm 0,8% so với cùng kỳ năm truớc, tăng hơn 4,6 điểm phần trăm so với chỉ số sản xuất chung của ngành công nghiệp. Theo đó, chỉ ngành sản xuất hàng điện tử tăng 17,9%; ngành hóa dược tăng 7,2%; riêng các ngành còn lại đều giảm.

Còn đối với ngành công nghiệp cấp II, tính chung 8 tháng năm 2020 có 11/30 ngành đều có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ năm trước.

Các ngành có chỉ số sản xuất giảm mạnh so với cùng kỳ như sản xuất kim loại giảm 32,9%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) giảm 25,3%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) giảm 25,1%...

Chỉ có một số ngành có mức tăng cao, gồm sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; sản xuất sản phẩm thuốc lá; sản xuất thuốc hóa dược và dược liệu...

Đáng chú ý, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng năm 2020 giảm 3,4% 4 so với cùng kỳ năm 2019, còn chỉ số tồn kho của ngành này cũng tăng 20,7% so cùng thời điểm năm trước.

Cụ thể, các ngành có chỉ số tồn kho cao hơn mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp như chế biến gỗ và sản xuất gỗ tre nứa; sản xuất sản phẩm thuốc lá; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; công nghiệp chế biến chế tạo khác; sản xuất kim loại...

Ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng Tám và 8 tháng đầu năm 2020 của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố gặp nhiều khó khăn.

Doanh nghiệp đang rất cần những biện pháp hỗ trợ cụ thể, nhanh chóng, mang tính đột phá để có thể hoàn thành kế hoạch sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm.

Điển hình, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng mở rộng thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế cũng như thị trường đối tác xuất khẩu mới.

Cùng với đó, doanh nghiệp cho rằng việc khẩn trương rà soát, xem xét miễn, giãn, khoanh nợ, giảm thuế... là những giải pháp cấp thiết trong thời điểm hiện nay.

Theo ông Nguyễn Phương Đông, đẩy mạnh tuyên truyền và tăng cường kích cầu tiêu dùng trong nước nhằm ủng hộ Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đồng thời tạo đầu ra cho sản xuất công nghiệp là vấn đề quan trọng.

Ngoài ra, doanh nghiệp rất cần được hướng dẫn tiếp cận những chính sách mới từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Giao thương trì trệ

Theo Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh, dịch COVID-19 trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp khi số người nhiễm và chết tiếp tục tăng nhanh làm sụt giảm hoạt động thương mại toàn cầu.

Điều này đã tác động đến tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thống kê trong 8 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thành phố Hồ Chí Minh đạt 60.483,3 triệu USD tăng 0,03% so cùng kỳ năm trước. Theo đó, xuất khẩu tăng 4% và nhập khẩu giảm 2,8%.

Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của các doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh với kim ngạch xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 6.844,3 triệu USD, tăng 35,5% so cùng kỳ năm 2019 và chiếm 26,2% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến, có thể kể đến những thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản...

Đối với các thị trường mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại tự do (FTA) giá trị xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2020 sang các thị trường này nhìn chung có xu hướng giảm; trong đó, xuất khẩu sang thị trường châu Âu có Hiệp định EVFTA nhưng chỉ đạt 3.230,1 triệu USD, giảm 4,4% so cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 12,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn thành phố.

[Doanh nghiệp Việt vào chuỗi giá trị toàn cầu: Chưa có bước đột phá]

Báo cáo của Cục Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 826.844 tỷ đồng, giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước.

Còn tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 105.246 tỷ đồng, giảm 2,1% so với tháng trước và giảm 5,2% so với tháng cùng kỳ năm trước.

Dịch COVID-19 quay trở lại đã làm cho hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn chịu ảnh hưởng, mặc dù các đơn vị kinh doanh như trung tâm thương mại, nhãn hàng thực hiện nhiều chương trình khuyến mãi nhưng do tâm lý lo sợ dịch bệnh nên sức mua không cao.

Du lịch lữ hành, khách sạn lưu trú lại tiếp tục tổn thất do dịch COVID-19, một số tỉnh thành đang thực hiện cách ly xã hội, khách hàng hủy đặt phòng và tour du lịch.

Trước tình hình này, một số chuyên gia đưa ra dự báo trong thời gian tới, tình hình thế giới sẽ có những tác động lớn đến hoạt động thương mại dịch vụ của Việt Nam và thành phố.

Song song đó, xu hướng tiêu dùng thay đổi, tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường sẽ trở thành xu thế chung của thế giới.

Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op), đối với cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bán lẻ nói riêng trong giai đoạn hiện nay vẫn phải cần ngân sách đầu tư đủ lớn để có thể tiếp tục triển khai toàn diện.

Từ đó, doanh nghiệp có nguồn lực triển khai đầu tư vào hệ thống công nghệ thông tin, hạ tầng logistics, cải tiến trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực.

Liên quan đến thị trường xuất khẩu, kể từ ngày 1/8/2020 khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hàng rào thuế quan được gỡ bỏ đã mang lại cơ hội xuất nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam phải vượt qua hàng rào kỹ thuật để có thể đưa nông sản và các mặt hàng tiêu dùng của Việt Nam vào thị trường khó tính bậc nhất này.

Đánh giá về thị trường EU, ông Nguyễn Huy, chuyên gia tiêu chuẩn của dự án “Hàng Việt Nam Chất lượng cao – Chuẩn hội nhập," cho rằng Bộ tiêu chuẩn Global GAP (Bộ Tiêu chuẩn Toàn cầu về Thực hành Nông nghiệp tốt) tồn tại từ trước tới giờ và không có gì thay đổi, tức là không có chuyện dựng thêm hàng rào kỹ thuật để làm khó nhà xuất khẩu Việt Nam.

Do đó, doanh nghiệp một số lĩnh vực như xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU được hưởng thuế suất 0% là một lợi thế mới so với các nhà xuất khẩu châu Á khác vốn phải chịu thuế suất 5-45%. Đồng thời, những mặt hàng nông thủy sản khác của Việt Nam cũng có thuế suất thấp hơn trước từ ưu đãi của Hiệp định EVFTA./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục