Doanh nghiệp SME tự do tiếp cận các sự kiện bên lề của APEC 2017

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tự do tiếp cận, tham gia vào các chuỗi sự kiện kết nối xung quanh Hội nghị APEC 2017, dự kiến có hơn 150 đại biểu chủ yếu là doanh nghiệp đến từ các nước thành viên.
Đại biểu các nền kinh tế APEC dự hội nghị. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng về Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những trong những Hội nghị cấp Bộ trưởng chuyên ngành quan trọng của năm APEC 2017. Với tư vai trò chủ nhà APEC, Việt Nam đã nỗ lực chuẩn bị các nội dung và phương thức tổ chức nhằm đảm bảo đem lại sự thành công cùng ấn tượng về sự kiện.

[APEC 2017: Những nội dung chính trong ngày đầu tiên Hội nghị SOM 3]

Cụ thể, Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần này sẽ trao đổi và thông qua các văn kiện chính, như tuyên bố APEC về thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, Chiến lược thúc đẩy Doanh nghiệp nhỏ và vừa xanh, bền vững và sáng tạo, Báo cáo kiến nghị của Hội nghị Bộ trưởng tới Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017.

Theo đó, Tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC năm 2017 sẽ diễn ra từ ngày 10/9-15/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh với trọng điểm là “Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24, tổ chức ngày 15/9” cùng hàng loạt hoạt động khác, như Hội nghị Nhóm công tác Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 45 (13-14/9), các hội thảo về Diễn đàn APEC O2O (ngày 10/9), Hội thảo tiếp cận tài chính cho Doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ trong kỷ nguyên số (ngày 11/9), Diễn đàn khởi nghiệp (ngày 11-12/9), Diễn đàn Kinh tế số (ngày 12/9).

[APEC 2017: Cần xây dựng Chương trình hành động về phát triển bao trùm]

Họp báo Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC 2017, ngày 5/9. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thanh Lê - Trưởng phòng Hợp tác Quốc tế, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm các lĩnh vực ưu tiên tại Hội nghị là thúc đẩy phát triển bền vững, sáng tạo, đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời kỳ kỷ nguyên số. Bên cạnh đó, Hội nghị tiếp tục đề cập tới các nội dung tăng cường an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với những biến đổi khí hậu.

Bên cạnh Hội nghị chính thức sẽ có rất nhiều sự kiện bên lề và đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tiếp cận, trao đổi, tìm kiếm xu thế hợp tác, phát triển, hướng đi trong kỷ nguyên mới cùng với khối doanh nghiệp thuộc các thành viên APEC khác.

Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ  Kế hoạch và Đầu tư Hồ Sỹ Hùng cho biết, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tự do tiếp cận, tham gia vào các chuỗi sự kiện kết nối xung quanh Hội nghị APEC 2017, dự kiến sẽ có hơn 150 đại biểu mà chủ yếu là các doanh nghiệp đến từ ​những nền kinh tế thành viên tham dự.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hùng cũng thẳng thắn cho hay, khả năng tiếp cận hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như lựa chọn các giải pháp ưu tiên của 21 nước thành viên APEC có sự khác nhau.  Song theo từng năm, các nước chủ nhà sẽ lựa chọn ra những chủ đề chính cùng trao đổi.

“Các rào cản về hành chính, điều kiện kinh doanh… cũng là những nội dung được các thành viên APEC nêu nên rất nhiều. Bài học ấn tượng cho Việt Nam là cách thức công bố công khai thông tin của Australia, các điều kiện kinh doanh được công bố và hướng dẫn công khai, minh bạch trên các website độc lập.

Ngoài ra, các vấn đề cụ thể của Việt Nam, như chi phí kinh doanh, hợp tác công tư, lãi suất… có thể sẽ được đưa trao đổi với các thành viên APEC có mối quan tâm tương đồng, với mong tham vấn, tư vấn từ các thành viên trong khối, từ đó vận dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam,” ông Hùng nói./.

Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục