Doanh nghiệp sản xuất nông, lâm, thủy sản làm gì để giữ chân nhân lực?

Công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly hoặc đang điều trị COVID-19... khiến việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản gặp khó khăn.
Chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực Nam Trung Bộ duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được 3 tại chỗ. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Việc phục hồi sản xuất của doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi rất nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là khó quy tụ lại lực lượng lao động như ban đầu do công nhân chưa được tiêm vaccine nên chưa thể đến cơ sở sản xuất, đã về quê, cách ly, đang điều trị COVID-19… hay việc vận hành “3 tại chỗ” thời gian dài cũng khiến người lao động mệt mỏi.

Để giảm sự tác động bởi nguồn nhân lực, ngoài sự chủ động của doanh nghiệp thì cũng rất cần sự hỗ trợ từ các bộ, ngành và địa phương.

Các tỉnh Nam Trung Bộ là khu vực trọng tâm của sản xuất thủy sản Việt Nam, chiếm từ 90-95% kim ngạch xuất khẩu thủy sản toàn quốc cũng như lực lượng lao động của ngành hàng. Nhưng đây cũng là vùng thời gian qua nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội ở các mức độ khác nhau.

Hiện, chỉ có khoảng 30% các nhà máy chế biến thủy sản tại khu vực này duy trì được sản xuất cầm chừng theo điều kiện đảm bảo được “3 tại chỗ.”

Với những nhà máy thực hiện được, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ từ 10-50% số lượng lao động.

[Gần 45.000 ca nhiễm COVID-19 là công nhân, viên chức lao động]

Ước tính trên 300.000 lao động trực tiếp tại các nhà máy chế biến thủy sản đã mất công ăn việc làm và ít nhất số lượng tương tự nữa cho các lực lượng lao động trong chuỗi sản xuất thủy sản liên quan bị tác động theo do giãn cách, ngừng sản xuất.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tỷ lệ tiêm vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản các tỉnh từ Nam Trung Bộ trở vào mới đạt trung bình từ 30-35% cho mũi 1, tỷ lệ tiêm mũi 2 thì rất thấp, dưới 5%.

Bên cạnh đó, có sự khác nhau rõ rệt về tỷ lệ công nhân chế biến thủy sản được tiêm chủng mũi 1 giữa các tỉnh. Việc này không chỉ tác động đến tâm lý các doanh nghiệp, mà còn đặc biệt ảnh hưởng đến phương án sản xuất và khả năng phục hồi sản xuất.

Với các doanh nghiệp trong ngành chế biến gỗ, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cho biết tỷ lệ lao động ngành gỗ được tiêm vaccine rất thấp, người lao động phải chờ đợi vaccine quá lâu trước khi được tiêm phòng để có thể quay lại nhà máy.

Do đó, địa phương cần nâng mức ưu tiên, tạo điều kiện tiêm vaccine cho công nhân lao động. Cho phép người lao động của doanh nghiệp được di chuyển đến các tỉnh khác để làm việc sau khi đã tiêm đủ 2 hoặc 1 mũi vaccine và thực hiện nghiêm túc 5K.

May mắn doanh nghiệp nằm trên địa bàn đã phần lớn là "vùng xanh," ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta, chia sẻ công ty đã hồi phục trên 90% lao động so với trước đây. Đây là may mắn cho doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng nhờ tỉnh có chiến lược phòng chống dịch đúng hướng, hiệu quả. Người lao động có thẻ tên và giấy đi đường do doanh nghiệp cấp có thể từ "vùng xanh" đến doanh nghiệp làm việc dễ dàng.

Theo ông Hồ Quốc Lực, khó khăn hiện nay là việc kiểm tra y tế định kỳ bảo đảm an toàn mới sản xuất và công ty thực hiện tầm soát 3 ngày/lần nên chi phí không nhỏ.

Bên cạnh vấn đề cần ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân lao động, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần có ý kiến sớm với Bộ Y tế có hướng dẫn về vấn đề xét nghiệm ở doanh nghiệp; trong đó, quy định rõ về tỷ lệ số công nhân phải test, thời gian test lại và cụ thể cho các trường hợp: chưa tiêm vaccin, đã tiêm 1 mũi và đã tiêm 2 mũi. Đồng thời, nên không nên cực đoan đóng cửa doanh nghiệp nếu lây nhiễm chỉ trong phạm vi hẹp của 1 dây chuyền/phân xưởng/bộ phận riêng biệt.

Các địa phương cho phép người lao động đang mắc kẹt ở các khu nhà trọ được về quê hoặc quay trở lại làm việc trước khi xét nghiệm. Đồng thời, xét nghiệm miễn phí, hỗ trợ tiền đi đường để họ có thể về quê hoặc đi làm khi có xét nghiệm âm tính.

Về tổ chức sản xuất, bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, cho rằng muốn mở rộng sản xuất thì việc tập hợp lao động mới để hoạt động “3 tại chỗ” rất khó khăn. Do đó, doanh nghiệp cần thêm các phương án như "1 cung đường, nhiều điểm đến"…

Theo VASEP, khi số lượng nhân công còn lại mệt mỏi vì “3 tại chỗ”, phúc lợi mới sẽ góp phần động viên, thúc đẩy tinh thần sản xuất.

VASEP đã đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hỗ trợ bữa ăn cho công nhân viên, kiến nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng chung tay trả lương cùng doanh nghiệp…

Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho công nhân. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động nguồn lực như: xây dựng quy chế về an toàn và sức khỏe cho người lao động trong môi trường làm việc; cân bằng nguồn chi phí và doanh thu khi các chi phí an ninh, vệ sinh, bảo hộ lao động… sẽ phát sinh; xây dựng chế độ phúc lợi phù hợp.

Đối với các doanh nghiệp đang thực hiện “3 tại chỗ,” địa phương cần hỗ trợ để doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất tương thích với năng lực của nhà máy theo quy định giãn cách của Bộ Y tế, không khống chế số lao động được tham gia.

Nhận định về thị trường xuất khẩu rau quả trong quý 4, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam, cho biết có thể khả quan khi kinh tế của các nước là những thị trường lớn của rau quả Việt Nam như Mỹ, Trung quốc và châu Âu sẽ hồi phụ, nhu cầu sẽ tăng trở lại.

Để phục hồi sản xuất, tận dụng cơ hội này, ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng cần việc tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đi đường cho các phương tiện, cán bộ nhân viên, lao động tại các nhà máy, nhân viên làm các thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa...

Các địa phương cần đưa ra các chính sách để thu hút lao động cho các vùng sản xuất nguyên liệu, khu công nghiệp, khu chế xuất... để kéo lao động trở lại khôi phục sản xuất kinh doanh trong tình hình mới.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam, một số khâu sản xuất của ngành không đủ nhân lực tham gia do người lao động không muốn tham gia sợ nhiễm bệnh, người tham gia được lại không đủ điều kiện về y tế như chưa được tiêm vaccine…

Các tỉnh, thành cần xem xét phương án thí điểm do doanh nghiệp đề xuất về mở rộng quy mô sản xuất “3 tại chỗ” khi đủ điều kiện trên cơ sở có phương án tổ chức vùng đệm giữa lực lượng lao động mới và lực lượng đang thực hiện “3 tại chỗ.” Đồng thời, mở thêm các mô hình mới “3 xanh,” “1 cung đường nhiều điểm đến” để doanh nghiệp lựa chọn phù hợp với khả năng và điều kiện.

Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, cho rằng về lâu dài, nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu để hoạt động trong tình hình dịch bệnh. Chẳng hạn như doanh nghiệp muốn an toàn thì không thể thiếu nhà ở cho công nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục