Nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam cũng như trên thế giới hiện quá tập trung vào những lợi ích, tích cực, cơ hội và doanh thu khổng lồ từ công nghệ thông tin và truyền thông đem lại mà thiếu sự chuẩn bị để đối diện với tiêu cực là những cuộc tấn công mạng.
Thông tin trên được ông Trương Minh Tuấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin-Truyền thông Việt Nam (ICT Summit 2016) được tổ chức ngày 24/9 tại Hà Nội.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trương Minh Tuấn cho biết, công nghệ thông tin-truyền thông đang được ứng dụng mọi mặt trong cuộc sống. Sự ra đời và phát triển vô cùng mạnh mẽ của Internet, Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo, các thiết bị di động thông minh đã thúc đẩy quá trình kết nối, chia sẽ thông tin, tri thức và liên kết hàng tỷ con người trên khắp thế giới.
“Chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều doanh nghiệp dù mới hình thành nhưng với nền tảng kinh doanh ứng dụng dụng công nghệ thông tin-truyền thông đã có những bước phát triển vượt bậc trong thời gian ngắn, đạt giá trị hàng tỷ đô la, cạnh tranh được với những tập đoàn lớn, chiếm lĩnh thị trường thế giới,” ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Tuấn, sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực này tạo ra những thay đổi có tính chất bước ngoặt. “Sự phát triển mạnh mẽ này đã và đang tạo nên một cuộc cách mạng mới - cuộc cách mạng số hay còn có thể gọi là là cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4 trên khắp thế giới với tốc độ nhanh và quy mô lớn chưa từng thấy.”
Bên cạnh lợi ích, đi kèm với cuộc cách mạng này là những khó khăn, thách thức, thậm chí là những mối đe dọa tới an ninh quốc phòng của các quốc gia nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng.
Khi Internet được phủ sóng trên toàn cầu, kèm với đó là hàng tỷ thiết bị được kết nối, phục vụ trong mọi mặt của đời sống xã hội thì các khái niệm về biên giới giữa các quốc gia trong không gian mạng đã dần bị xóa nhòa.
“Công nghệ càng phát triển, càng tiện dụng, hiện đại, tinh vi bao nhiêu thì tác động, quy mô ảnh hưởng, hậu quả và thiệt hại khi xẩy ra sự cố lại càng phức tạp hơn bấy nhiêu. Chính sự kết nối mà điển hình là xu hướng IoT đem lại thách thức vô cùng lớn khi quy mô của hoạt động này đã bao trùm lên tất cả các lĩnh vực hoạt động của cuộc sống, lớn hơn rất nhiều so với những ứng dụng dụng công nghệ thông tin-truyền thôngtrước đây,” ông Tuấn nhận định.
Cũng theo người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam cũng như thế giới hiện tập trung quá nhiều vào những lợi ích, các cơ hội và doanh thu khổng lồ từ công nghệ mà chưa sẵn sàng, thiếu sự chuẩn bị để đối diện với mặt tiêu cực. Đó là những cuộc tấn công mạng ngày càng thường xuyên, dai dẳng với những kỹ thuật ngày càng hiện đại, tinh vi và phạm vi, quy mô tấn công ngày càng mở rộng.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian gần đây có rất nhiều những cuộc tấn công mạng lớn. Riêng tại Việt Nam, những sự kiện như hệ thống của Vietnam Airlines, VFF, Báo sinh viên Việt Nam, hệ thống của Netlink bị tấn công…
Ông Jong Hyun Park, Tổng Giám đốc Dasan Zhone Solutions Việt Nam cho hay, Smart City (thành phố thông minh) là một trong những chủ đề IoT rất được quan tâm. Với Smart City, mọi liên quan đến các hoạt động hằng ngày của mỗi cá nhân được các thiết bị ghi lại, việc truy xuất dữ liệu cũng được ghi lại và việc truy xuất dữ liệu này được phân quyền một cách nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn bảo mật cao nhất.
"Các thiết bị IoT đó có thể là những chiếc camera an ninh được lắp ở mọi nơi... Thế nhưng, trên thị trường Việt Nam, đa số các thiết bị này đều có giá thành rất rẻ, do đó vấn đề bảo mật cho chúng chưa được quan tâm đúng mực," ông Jong Hyun Park nói.
Theo hãng bảo mật Incapsula, hiện tin tặc đang lợi dụng các camera an ninh để biến chúng thành các công cụ phục vụ tấn công máy tính từ xa. Do đó, một giải pháp cho các thiết bị này cũng là hết sức cần thiết trong bối cảnh mất an toàn thông tin ngày càng nghiêm trọng.
Một báo cáo của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp Máy tính Việt Nam cũng cho thấy, hàng tuần đơn vị này thực hiện công tác giám sát mạng và phát hiện 2 triệu sự kiện an toàn thông tin cần xử lý. Trong đó thường xuyên có 40-50.000 sự kiện nguy hiểm, cần phân tích và có phương án giải quyết tức thì.
Nếu năm 2015, đơn vị này ghi nhận 31.585 sự cố (gồm cả sự cố Phishing, Deface và Malware) thì chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016 các sự cố này đã trên 127.000. Trong đó, Phishing: 8758; Deface: 77160; Malware: 41.712.
“Những nguy cơ hiện hữu này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với các doanh nghiệp, các nhà quản lý công nghệ thông tin-truyền thông phải có cái nhìn nghiêm túc hơn về hoạt động đảm bảo an toàn thông tin mạng song song với việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ,” ông Tuấn khẳng định.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng cho biết sẽ xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy hoạt động đầu tư, phát triển hạ tầng truyền dẫn, viễn thông, ứng dụng công nghệ mới; đề xuất Chính phủ những chính sách hỗ trợ đầu tư, phát triển ngành công nghiệp thông tin-truyền thông…
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chủ động, tích cực xây dựng các chính sách, tiêu chí hướng dẫn để đảm bảo an toàn cho các hệ thống thông tin quốc gia; phối hợp chặt chẽ trong công tác điều phối, ứng cứu đảm bảo an toàn thông tin; kiến nghị Chính phủ có những cơ chế chính sách hỗ trợ để xây dựng nguồn nhân lực cũng như đẩy mạnh hoạt động đầu tư trong lĩnh vực an toàn thông tin./.