Thích ứng an toàn, đảm bảo các biện pháp phòng dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế, các doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước phục hồi và tăng tốc sản xuất kinh doanh, đáp ứng các đơn hàng cuối năm 2021 và đầu năm mới 2022.
Không chỉ nhận diện rõ các thách thức, chủ động, linh hoạt vượt khó, các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần thêm nhiều trợ lực để có thể sớm hồi phục và phát triển bền vững.
Khó khăn còn nhiều
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đã gây nhiều thiệt hại nặng cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, năm 2021 là một năm rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do tác động của đại dịch COVID-19.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Lộc cho biết có tới 94% doanh nghiệp gặp khó khăn. Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, kéo theo đó là hàng triệu người lao động mất việc làm; trong đó, tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, có tới 98% các doanh nghiệp đã bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, cùng với đảm bảo an toàn phòng dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước khôi phục sản xuất trở lại. Song nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, các chi phí hoạt động sản xuất tăng cao vì phải đầu tư, trang bị đáp ứng các điều kiện kiểm soát, phòng chống dịch bệnh...
Ông Võ Quốc Thắng - đồng Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An, chia sẻ đến thời điểm đầu tháng 12, hầu hết các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã quay trở lại hoạt động. Riêng tại Long An, số doanh nghiệp hoạt động trở lại hiện đã đạt gần 100%. Năng suất đạt khoảng 70-80% so với thời điểm trước dịch và tỉ lệ thiếu hụt lao động là khoảng 10-20%.
Theo ông Võ Quốc Thắng, hiện nay độ bao phủ vaccine của các địa phương trong khu vực đã tăng lên rõ rệt. Người lao động yên tâm hơn rất nhiều, không còn tâm lý hoảng sợ, hoang mang khi nghe đến F0 mà đã bình tĩnh, tự tin cùng doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch.
Thế nhưng, do đây cũng là thời điểm cuối năm, sắp đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhiều lao động có tâm lý nghỉ ngơi, chờ sau Tết mới đi làm trở lại. Ngoài ra, theo ông Thắng, chi phí "đầu vào" cho sản xuất của doanh nghiệp tăng; các chi phí đảm bảo cho vận hành sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới gắn với kiểm soát dịch bệnh cũng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn.
Ông Eric Chen, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Tainan Enterprises (Việt Nam) ở Khu Công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, Long An cho biết công ty sản xuất, kinh doanh ngành hàng dệt may, hiện có trên 1.000 lao động và đã có đơn hàng đến tháng Ba năm sau. Diện tích thuê đất trong khu công nghiệp còn rộng nhưng một số dây chuyền của doanh nghiệp vẫn thiếu lao động.
Công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 300-500 công nhân để nhanh chóng "lấp đầy" các vị trí sản xuất còn trống. Nếu có đủ nguồn nhân lực và hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, công ty chắc chắn sẽ mở rộng nhà máy.
Cần thêm nhiều trợ lực
Mặc dù Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực, thích ứng trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đổi mới cơ cấu, mô hình sản xuất, kinh doanh, quay trở lại hoạt động mạnh mẽ hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn cần có thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy cho quá trình hồi phục này được nhanh hơn, bền vững hơn.
[Tạo động lực tăng trưởng cho vùng, "cởi trói" cho doanh nghiệp]
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng đại dịch COVID-19 thực sự là cuộc "sàng lọc đau đớn" đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để sớm phục hồi nền kinh tế, nhưng thời gian tới, Nhà nước vẫn cần tiếp tục có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh, sớm phát triển sản xuất.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, do yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô và khả năng của ngân sách Nhà nước, nên các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa tiền tệ mặc dù rất quan trọng nhưng cũng chỉ là hữu hạn so với khả năng hấp thu của nền kinh tế. Do đó, gói hỗ trợ quan trọng nhất cho cộng đồng doanh nghiệp lúc này chính là cải cách thể chế, cắt giảm mạnh mẽ về thủ tục hành chính.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất hiện nay, Quốc hội đã quyết định xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương, vậy đề nghị Quốc hội cũng sẽ có những cơ chế đặc thù về cải cách hành chính cho giai đoạn phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, cho phép Chính phủ "ứng xử" linh hoạt, được triển khai những biện pháp không có trong tiền lệ để có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tích hợp các thủ tục.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh tại Cần Thơ cho biết kết quả khảo sát các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các doanh nghiệp quy mô nhỏ, dưới 100 lao động quan tâm nhiều đến các chính sách về khoa học công nghệ làm sao để họ có thể đổi mới mô hình kinh doanh hiệu quả hơn.
Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại mong muốn các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ liên quan đến cung cấp lao động, tạo điều kiện về chính sách để họ tiếp cận thị trường nguồn nguyên liệu cũng như tiêu thụ hàng hóa tốt hơn trong thời gian tới.
Về phía các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp này rất lạc quan với dự báo tình hình năm 2022, tin tưởng vào sự linh hoạt điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam; đồng thời tin tưởng trong vòng 5 năm tới, nguồn tài nguyên, nguồn lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long đủ khả năng đáp ứng trình độ công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại khu vực này.
Đại diện nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ mong muốn và cho rằng quan trọng nhất là cần đẩy mạnh thực hiện số hóa liên quan đến các thủ tục hành chính, bà Hương chia sẻ.
Góp ý về giải pháp đối với từng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng bên cạnh việc cần thiết hỗ trợ, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian tới đại dịch có thể qua đi những vẫn còn những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong môi trường biến đổi, không có gì là cố định.
Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần có mô hình quản trị, mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu, có khả năng quản trị rủi ro, có khả năng phòng ngừa và xử lý tốt các tranh chấp./.