“Hiện nay, cả nước có 299 khu công nghiệp, 15 khu kinh tế biển, 12 nhiệt điện than (và có thể có thêm nhiều cái nữa trong tương lai), chưa kể nguồn thải nông nghiệp, sinh hoạt. Chất thải tuồn ra sông rồi ra biển... Nếu không kiểm soát được ô nhiễm thì sông và biển sẽ chết!”
Trên đây là một trong những cảnh báo vừa được ông Trịnh Lê Nguyên, Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên đưa ra tại cuộc Tọa đàm “Chất thải công nghiệp: Hạn chế trong quản lý và khuyến nghị chính sách” diễn ra ngày 10/5, tại Hà Nội.
[Nước thải Formosa: Kế hoạch xả ra sông Quyền, vận hành lại đổ ra biển?]
Chia sẻ thêm tại buổi Tọa đàm, ông Nguyên cho rằng, những năm qua, hàng loạt vụ xả thải từng được phát giác của các công ty như Vedan, Hào Dương, Tung Kuang, PangRim Neotex... ít nhiều đã đặt ra những dấu hỏi về sự bất cập, hạn chế của các chính sách cũng như tình hình thực thi về quản lý, giám sát ô nhiễm công nghiệp.
“Chưa cần đến nghi vấn xả thải của Công ty Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh), thực trạng xả thải công nghiệp gây ô nhiễm vẫn luôn là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý và là nỗi bức xúc của dư luận,” ông Nguyên nói.
Trên phương diện là chuyên gia nghiên cứu về nước, tiến sỹ Trần Hiếu Nhuệ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nước và Công nghệ môi trường cũng nhìn nhận, nhà nước đã có nhiều cố gắng để xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn xả thải, nhưng chưa đầy đủ do có hàng vài trăm loại hình sản xuất công nghiệp nhưng chỉ có quy chuẩn cho một số loại hình chính.
Theo ông Nhuệ, tính tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các doanh nghiệp hiện còn hạn chế, trong khi chủ dự án luôn bám sát lợi nhuận mà phớt lờ hậu quả môi trường. Tuy nhiên, thời đại ngày nay, doanh nghiệp muốn phát triển thì phải tuân thủ việc bảo vệ môi trường, đảm bảo lợi nhuận hài hòa với môi trường.
Cũng tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Môi trường và Cộng đồng cho rằng, việc cá chết hàng loạt ở sông và biển là hồi chuông cảnh tình đối với toàn thể người dân chúng ta. Theo bà Lý, vấn đề biển ở miền Trung không phải chỉ vấn đề con cá chết, mà còn các vấn đề các ngành ăn theo như ngư nghiệp không tìm được lối thoát rồi ngành du lịch...
“Cho đến nay, chúng ta có cả một hệ thống về luật cũng như các công cụ rồi các cơ quan chức năng đầu ngành về kiểm soát, giám sát trong vấn đề bảo vệ môi trường nhưng tại sao vẫn để doanh nghiệp xả thải gây ô nhiễm đến mức phải gọi là thảm họa?"
"Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải đặt câu hỏi về chất lượng và tính thực thi của hệ thống luật này. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường lâu dài, chúng ta cũng cần cải cách toàn diện và rà soát lại hệ thống luật,” bà Lý nói./.