Doanh nghiệp 'ông lớn' kê khai thiếu doanh thu trăm tỷ đồng thế nào?

Theo Kiểm toán Nhà nước, tình trạng các đơn vị hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục.
Doanh nghiệp 'ông lớn' kê khai thiếu doanh thu trăm tỷ đồng thế nào? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Kiểm toán Nhà nước đã điểm tên loạt doanh nghiệp tính thiếu thuế và các khoản phải nộp khác lên tới cả trăm tỷ đồng mỗi đơn vị.

Nội dung này được Kiểm toán Nhà nước nêu lên trong báo cáo quyết toán ngân sách năm 2017 gửi Quốc hội.

Hơn 92% doanh nghiệp đối chiếu phải nộp thêm

Về thu ngân sách, theo báo cáo, quyết toán thu là hơn 1,293 triệu tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán giao và bằng 116,8% thực hiện năm 2016. Đây là mức tăng cao nhất trong hai năm gần nhất (năm 2016 tăng 10,9%; năm 2015 tăng 15,1%).

Song, báo cáo chỉ ra, kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất (61.713 tỷ đồng); lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp (15.201 tỷ đồng).

"Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa chỉ đạt 885.881 tỷ đồng, bằng 98,15% (885.881 tỷ đồng/902.580 tỷ đồng) dự toán giao," kết quả kiểm toán thống kê.

[Kiểm toán Nhà nước: Trốn thuế, gian lận thuế ngày càng phức tạp]

Đáng chú ý, theo kết quả, thu nội địa năm 2017 còn một số khoản thu nộp trước thời hạn phải nộp theo quy định hơn 12.860 tỷ đồng. Ví dụ, một số doanh nghiệp nộp lợi nhuận sau thuế của tháng 11,12/2017 và quý 4 năm 2017 vào tháng 12/2017. Trong khi ấy, theo quy định khoản này phải nộp ngân sách Nhà nước vào tháng 11/2018 và 31/3/2018. Tổng số tiền này lên tới 10.198 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Kiểm toán Nhà nước nêu lên: Tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã xác định số phải nộp tăng thêm 19.858  tỷ đồng, trong đó có một số đơn vị có kiến nghị nộp lớn như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam 5.773 tỷ đồng; Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ 1.768 tỷ đồng; Tổng công ty Thép Việt Nam 572 tỷ đồng; Tập đoàn Điện lực Việt Nam 542 tỷ đồng; Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp 861 tỷ đồng...

Đặc biệt, qua đối chiếu thuế 3.171 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, Kiểm toán Nhà nước đã xác định nộp ngân sách tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 doanh nghiệp (chiếm 92,1% doanh nghiệp đối chiếu).

Doanh nghiệp 'ông lớn' kê khai thiếu doanh thu trăm tỷ đồng thế nào? ảnh 2Kiểm toán Nhà nước đã xác định nộp ngân sách tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 doanh nghiệp ngoài quốc doanh. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Hầu hết các bộ chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn

Ở hướng ngược lại, với chi thường xuyên, con số này theo quyết toán là hơn 881.000 tỷ đồng, giảm 2,35% so với dự toán. Mức chi thường xuyên trên bằng 65% tổng số chi theo dự toán. Theo Kiểm toán Nhà nước, đây là mức cao so với  3 năm trước đó (Năm 2016: 63,5%; năm 2015: 62,3%; năm 2014: 62,52%).

Tỷ lệ chi thường xuyên lên tới 65% tổng chi cũng cao hơn 1% so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Theo Kiểm toán Nhà nước, tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách Trung ương đạt thấp, trong đó chi giáo dục và đào tạo, dạy nghề đạt 88,2% dự toán, chi khoa học và công nghệ đạt 79%, chi bảo vệ môi trường đạt 49,8%,..

"Nguyên nhân chủ yếu do chậm triển khai thực hiện nhiệm vụ dẫn đến phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn năm sau thực hiện," Kiểm toán Nhà nước đánh giá.

Đặc biệt, theo đánh giá, hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương được kiểm toán còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn. Kiểm toán Nhà nước lấy ví dụ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giao thông Vận tải; Bộ Xây dựng;... Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xuất toán thu hồi nộp ngân sách 327 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước nêu con số, 38/49 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí hơn 3.104 tỷ đồng.

Trong số này 12 địa phương còn sử dụng gần 287 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định như tỉnh Nghệ An 85,3 tỷ đồng; Bình Định 73 tỷ đồng; Đăk Nông 61 tỷ đồng; Thái Nguyên 14,4 tỷ đồng; Ninh Bình 13,1 tỷ đồng,...

Ngoài ra, 23/49 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp với tổng số tiền là 462 tỷ đồng.

Kinh phí tồn hết nhiệm vụ chi chưa hoàn trả ngân sách Trung ương tại 32/49 địa phương được kiểm toán theo đánh giá là "còn lớn" với 1.020 tỷ đồng. Một số cái tên được nhắc tới như tỉnh Quảng Ngãi 116,7 tỷ đồng; Trà Vinh 97,5 tỷ đồng; Kiên Giang 76,9 tỷ đồng; Gia Lai 67,3 tỷ đồng; Kon Tum 49,4 tỷ đồng.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục