Tại buổi tọa đàm doanh nghiệp Việt Nam-Oman ngày 22/3 tại Hà Nội, phía Oman đã đặt vấn đề xem xét nhập khẩu lương thực từ Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo, đồng thời mong muốn các doanh nghiệp Việt quan tâm mở kho ngoại quan tại Oman để lưu trữ hàng hóa.
Phát biểu tại cuộc tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Oman thời gian qua phát triển rất tốt đẹp, đặc biệt kim ngạch thương mại giữa hai nước thời gian gần đây đã có khởi sắc. Nhiều doanh nghiệp của Oman đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu thị trường Việt Nam, ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã bước đầu tiếp cận được thị trường Oman.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, năm 2017 kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Oman đạt gần 120 triệu USD, tăng 122% so với năm ngoái, trong đó, Việt Nam xuất khẩu 40 triệu USD, tăng 74%.
Các mặt hàng mà Oman có nhu cầu thường xuyên và nhu cầu lớn từ Việt Nam là mặt hàng nông sản, lương thực thực phẩm, các mặt hàng tiêu dùng, gạo chè, càphê, hạt điều, hạt tiêu... Tuy nhiên, con số kim ngạch thương mại giữa hai nước hiện nay vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và triển vọng của hai bên.
Vì vậy, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng hy vọng trong thời gian tới, doanh nghiệp Việt Nam quan tâm hơn nữa tới thị trường Oman, tăng cường các chuyến công tác khảo sát thị trường, tham gia hội chợ triển lãm tại thị trường này.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng đề nghị phía Oman tiếp tục tổ chức nhiều đoàn doanh nghiệp sang giao thương tại thị trường Việt Nam.
Ông Lê Thái Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu-châu Phi-Bộ Công Thương cho biết đoàn doanh nghiệp Oman đến Việt Nam lần này hoạt động trong các lĩnh vực điện và điện tử, thiết bị gia dụng, cơ khí, thang máy, xây dựng, bất động sản...
[Việt Nam có thể xuất khẩu 6,5 triệu tấn gạo trong năm 2018]
Chương trình cũng đã thu hút sự tham dự của hơn 60 doanh nghiệp Việt Nam trong các lĩnh vực bất động sản, năng lượng, xây dựng, vật liệu xây dựng, du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, xuất nhập khẩu, chế biến thủy hải sản, đóng tàu, thiết bị hàng hải, dầu khí, vận tải và kho bãi, khai khoáng, dệt may...
Phía Oman đã đặt vấn đề xem xét nhập khẩu lương thực từ Việt Nam, trong đó có mặt hàng gạo, với mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm mở kho ngoại quan tại Oman để lưu trữ hàng hóa. Thông qua kho lưu trữ này, hàng hóa của Việt Nam không chỉ phân phối cho thị trường Oman mà còn có nhiều cơ hội xuất khẩu sang những thị trường lân cận.
Ông Lê Thái Hòa cũng cho rằng Oman là thị trường Trung Đông không đòi hỏi quá khắt khe với hàng hóa Việt Nam, Tuy nhiên, đối với những mặt hàng nông sản, các doanh nghiệp phải lưu ý tuân thủ quy định về tiêu chuẩn Hala.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp của hai bên cung cấp thông tin thị trường của nhau; phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, tiến tới mở đường bay thẳng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân giao lưu văn hóa, kinh tế.
Theo Bộ Công Thương, Liên doanh đầu tư Việt Nam-Oman (VOI) được xem như mô hình tiêu biểu cho quan hệ kinh tế giữa hai nước. Là công ty liên doanh giữa Quỹ Dự trữ quốc gia Vương quốc Oman (SGRF) tại Việt Nam với Tập đoàn đầu tư vốn Nhà nước Việt Nam (SCIC), VOI được thành lập và hoạt động trên cơ sở thỏa thuận và hỗ trợ của Chính phủ hai nước từ năm 2008.
Từ vốn cam kết ban đầu là 100 triệu USD năm 2009, VOI đã tăng vốn lên 200 triệu USD vào năm 2014.
Ông Abdullah Al Harthy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị VOI, thành viên Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Oman khẳng định, là một nước nhỏ ở Trung Đông nhưng Vương quốc Oman chủ trương tư duy toàn cầu về hợp tác kinh tế và đã nhìn thấy triển vọng lâu dài ở Việt Nam. Đó là lý do mà VOI duy trì đà hoạt động ở Việt Nam trong 10 năm qua.
Nhân dịp này, Phòng công nghiệp và Thương mại Việt Nam và Phòng Công nghiệp và Thương mại Oman đã ký kết bản ghi nhớ hợp tác. Đây có thể coi là điều kiện thuận lợi để tăng cường hợp tác giữa cộng đồng doanh nghiệp hai nước, tiếp tục cung cấp thông tin về cơ hội thị trường, mở rộng hợp tác đầu tư kinh doanh./.