Kết quả khảo sát vừa do Viện Nhân lực và Phát triển (CIPD) tiến hành cho thấy hơn 25% số doanh nghiệp nước Anh lo ngại nhiều nhân viên đến từ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cân nhắc rời Xứ sở Sương mù trong năm 2017 do tác động của Brexit sau cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối tháng Sáu năm ngoái.
Theo cuộc khảo sát được tiến hành với sự tham gia của hơn 1.000 doanh nghiệp kể trên, 43% doanh nghiệp trong ngành giáo dục và 49% doanh nghiệp thuộc lĩnh vực y tế lo ngại số nhân viên thuộc các nước EU sẽ suy xét tới khả năng rời bỏ doanh nghiệp hoặc rời nước Anh trong năm nay.
CIPD cho rằng thị trường lao động Vương quốc Anh vẫn “khỏe mạnh” song việc các cử tri quyết định rời khỏi EU có thể sẽ buộc các doanh nghiệp cân nhắc lại chiến lược đào tạo nhân lực, khi phải điều chỉnh sử dụng ít nhân viên EU hơn trong tương lai. Các số liệu chính thức gần đây cho thấy các doanh nghiệp dựa nhiều vào lao động nhập cư từ các nước EU đang rất vất vả trong việc tìm người lao động để thế vào những vị trí bị thiếu khuyết. Các doanh nghiệp trong các ngành bán buôn và bán lẻ, chế tạo, y tế, dịch vụ nhà ở và ăn uống chiếm tới 45% tổng số chỗ thiếu khuyết vào cuối năm 2016.
Trong khi đó, công ty tư vấn quản lý lớn nhất châu Âu Roland Berger của Đức vừa đưa ra khuyến nghị các doanh nghiệp châu Âu nên thận trọng khi đầu tư vào Vương quốc Anh, do những bất ổn liên quan việc nước này rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.
Theo Roland Berger, Brexit sẽ tác động xấu tới kinh tế nước Anh, mặc dù nền kinh tế này đã tăng trưởng tích cực hơn kể từ sau cuộc trưng cầu ngày 23/6/2016.
Giám đốc điều hành Roland Berger Charles-Edouard Bouée lưu ý các doanh nghiệp châu Âu đang làm ăn tại nước Anh tỏ ra lo ngại về tác động của thuế nhập khẩu cũng như các rào cản thương mại khác tới chuỗi cung ứng hàng hóa, đồng thời họ cũng trì hoãn những dự án có số vốn đầu tư lớn. Ông Bouée khuyến nghị khách hàng cần có bước đi thận trọng, bởi tâm lý vẫn xem nhẹ mức độ phức tạp và thời gian đàm phán liên quan Brexit./.