Doanh nghiệp Ninh Thuận linh hoạt điều tiết hoạt động sản xuất

Các doanh nghiệp ở Ninh Thuận chỉ được hoạt động khi đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” trong việc phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện quy định 5K; giảm 50% số người lao động.
Công ty chế biến thủy sản Thông Thuận (Khu công nghiệp Thành Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) bố trí nơi ở tại chỗ cho công nhân, đảm bảo an toàn dịch bệnh. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, nhiều doanh nghiệp ở tỉnh Ninh Thuận đã rất chủ động, linh hoạt điều tiết cả nhân lực và vật lực làm việc theo phương án “3 tại chỗ” để vừa đảm bảo sản xuất, kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Ông Sử Đình Vinh, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận, cho biết kể từ khi Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 16/CT-Ủy ban Nhân dân ngày 16/7/2021 về triển khai đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã triển khai, phổ biến đến các doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp về các biện pháp phòng, chống dịch.

Ban Quản lý cũng chỉ cho phép các doanh nghiệp được hoạt động khi đáp ứng được phương án “3 tại chỗ” trong việc phòng, chống dịch, đảm bảo thực hiện quy định 5K; giảm 50% người lao động; đồng thời phải tổ chức xét nghiệm cho người lao động 3 ngày/lần và thực hiện ký giấy xác nhận đi lại cho người lao động.

[Tỉnh Ninh Thuận đẩy mạnh và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công]

Qua kiểm tra của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Ninh Thuận cho thấy, toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Thành Hải (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và Khu công nghiệp Phước Nam (huyện Thuận Nam) đang duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh đảm bảo thực hiện đúng phương án “3 tại chỗ.”

Hiện các doanh nghiệp có quy mô lao động dưới 100 người đều chọn phương án “3 tại chỗ” để tổ chức và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp có quy mô lao động cao hơn, chưa đảm bảo các điều kiện “3 tại chỗ” thì đang thực hiện phương án bố trí người lao động đi làm luân phiên, giảm 50% lao động làm việc.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động phối hợp cùng ngành y tế tổ chức thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ người lao động ở tại nhà máy. Điển hình như Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt (Khu công nghiệp Thành Hải) đã tổ chức xét nghiệm cho toàn thể người lao động ở tại nhà máy với 164 người và cho kết quả âm tính.

Bà Hồ Nguyệt Ánh, cán bộ quản lý Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt cho biết, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 là yêu cầu cần thiết và cấp bách nên công ty đã chủ động thực hiện ngay khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Chỉ thị 16/CT-Ủy ban Nhân dân.

Công ty cổ phần thực phẩm Cánh Đồng Việt đã áp dụng phương án “3 tại chỗ,” cho người lao động đăng ký đi làm ở lại công ty và được bố trí ăn, nghỉ tại chỗ.

Trước đây, mỗi ngày công ty có 350 cán bộ, công nhân làm việc, nhưng nay giảm xuống còn 164 người.

Bà Hồ Nguyệt Ánh chia sẻ để đảm bảo an toàn cho người lao động, công ty đã áp dụng nghiêm các biện pháp như: không cho người ngoài vào nhà máy; hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất được giao nhận và khử khuẩn trước khi đưa vào nhà máy; đặc biệt là quản lý chặt chẽ người lao động trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Theo Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thông Thuận - Chi nhánh Ninh Thuận, ông Võ Việt Chung, thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, công ty đã bố trí giãn cách trong khu sản xuất với nhiều tổ, nhóm nhỏ, giảm công nhân làm việc từ 1.500 công nhân xuống còn 422 người. Tại khu bếp ăn, công ty chỉ bố trí 4 người ngồi chung một bàn ăn. Công ty đã tiến hành xét nghiệm nhanh COVID-19 cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại chỗ, việc test nhanh được thực hiện 3 ngày/lần.

Công ty cũng luôn chú trọng kiểm soát phương tiện từ ngoài tỉnh vào, đảm bảo nghiêm ngặt các quy định về khử khuẩn phương tiện; đồng thời yêu cầu người lái xe phải có giấy xét nghiệm âm tính với SASR-CoV-2, nghỉ trên cabin xe hoặc được bố trí ở khu riêng biệt, không được tiếp xúc với người trong nhà máy.

Giám đốc điều hành Công ty Trách nhiệm hữu hạn Việt-Úc Phước Dinh (huyện Thuận Nam), bà Phạm Quỳnh Thoa cũng chia sẻ công ty chuyên sản xuất tôm thẻ chân trắng bố mẹ để cung cấp cho thị trường phía Nam. Để đảm bảo việc phòng, chống dịch, công ty đã triển khai phương án “3 tại chỗ” theo đúng quy định. 160 cán bộ, nhân viên đã được công ty bố trí làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ ngay tại chỗ làm.

Đối với những lao động đến từ địa bàn đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, công ty bố trí ăn, ngủ, nghỉ tại chỗ. Việc ăn uống được bố trí theo suất riêng, chia ba khung giờ ăn mỗi bữa, cách nhau 30 phút. Nếu có dấu hiệu cảm, sốt thì người lao động nghỉ làm việc để cách ly điều trị.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt-Úc Phước Dinh luôn yêu cầu cán bộ, nhân viên thường xuyên khai báo y tế qua các ứng dụng Ncovi, Bluezone; tự đo thân nhiệt và theo dõi sức khỏe; đồng thời kiểm soát người ra, vào công ty bằng mã QR và luôn tiến hành khử khuẩn 2 lần/tuần.

Ngoài ra, công ty cũng đã đăng ký vaccine tiêm phòng COVID-19 cho người lao động; mua sắm thêm 150 bộ quần áo bảo hộ chống dịch và 200 kit test nhanh; bố trí phòng cách ly y tế tạm thời và trang bị kính chống giọt bắn, găng tay cho người lao động.

Công ty lắp đặt bổ sung camera để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát và phục vụ truy vết trong trường hợp cần thiết.

Nhà máy chế biến hạt điều Long Sơn (Cụm công nghiệp Tháp Chàm, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) phối hợp với ngành y tế thường xuyên test COVID-19 cho công nhân trước giờ vào làm. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận, khó khăn nhất hiện nay của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là việc thực hiện quy định “3 tại chỗ” và “hai điểm đến, một con đường.”

Trong các khu công nghiệp, hiện chỉ có ít doanh nghiệp đủ điều kiện để có thể bố trí thực hiện theo yêu cầu này, nhưng quá trình thực hiện cũng đã phát sinh chi phí tương đối lớn nên các doanh nghiệp cũng đang phân vân, tính toán phương án cho phù hợp.

Theo phán ánh của các doanh nghiệp, hiện nay việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho người lao động gặp không ít khó khăn.

Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường nhân lực và mẫu xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm cho người lao động khi doanh nghiệp có nhu cầu, tránh tình trạng người lao động đi lại đến trung tâm, cơ sở y tế để thực hiện xét nghiệm, mất thời gian và không đảm bảo an toàn.

Đồng hành và chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, những ngày qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận luôn thị sát, kiểm tra việc phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp đang tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc cùng lúc thực hiện hai mục tiêu là vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất, tiến độ đầu tư.

Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát kéo dài, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận rất mong muốn các doanh nghiệp tập trung khắc phục khó khăn để duy trì sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là phải đảm bảo phương án “3 tại chỗ” nếu cần thiết phải tổ chức sản xuất. Nếu không đảm bảo thì buộc phải dừng hoạt động để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục