Doanh nghiệp nhỏ và vừa tìm kiếm động lực mới trong hoạt động xuất khẩu

Các chuyên gia đã phân tích các cơ hội, thách thức đối với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, từ đó gợi mở tiềm năng, giải pháp phát triển thị trường, tiếp cận nguồn tài chính và biến động logistics.

hội thảo "Đẩy mạnh xuất nhập khẩu-Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?" ngày 15/11. (Ảnh: Vietnam+)
hội thảo "Đẩy mạnh xuất nhập khẩu-Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?" ngày 15/11. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường quốc tế đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Làm sao để doanh nghiệp nhỏ và vừa "vượt vũ môn," chinh phục những đỉnh cao mới?

Câu trả lời đã được sự chia sẻ từ các chuyên gia, đại diện cơ quan quản lý và chính những doanh nghiệp đang "lăn lộn" trên thương trường, tại hội thảo "Đẩy mạnh xuất nhập khẩu-Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa?" do Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên tổ chức, ngày 15/11.

Phác họa “bức tranh” xuất khẩu

Tại đây, hơn 100 doanh nghiệp nhỏ và vừa xuất nhập khẩu đã cùng nhau "hội chẩn" và tìm lối thoát cho hoạt động xuất khẩu.

“Bức tranh” về tình hình xuất nhập khẩu đã được phác họa rõ nét. Theo bà Trần Thị Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp định thương mại tự do (như Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) đã tạo đà tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ cho Việt Nam sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.

“Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2024 và 2025, đặc biệt là tại các thị trường thuộc các FTA và thị trường EU. Đây là hướng đi tiềm năng cho hàng xuất khẩu Việt Nam,” bà Tâm nhấn mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất nhập khẩu 10 tháng của năm 2024 đã đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ, theo đó xuất siêu 23,31 tỷ USD. Cụ thể, bảy nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là điện tử, máy tính và linh kiện, điện thoại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may, giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng) chiếm 66,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Riêng đối với tỉnh Hưng Yên, bà Tâm cho biết có nhiều mặt hàng đã xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, đặc biệt trong đó là các mặt hàng nông sản chế biến như nhãn lồng, dược phẩm, sản phẩm điện tử, linh kiện, phụ tùng xe máy và sản phẩm may mặc…

Picture3.png
Bối cảnh diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Đại diện của VCCI nhìn nhận kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường lớn đang phục hồi tích cực. Tuy nhiên, bà Tâm cũng cảnh báo về những "cơn sóng ngầm" đe dọa hoạt động xuất khẩu cuối năm 2024 và năm 2025.

“Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song trong những tháng cuối năm 2024, hoạt động xuất khẩu nói chung và xuất khẩu sang sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ nói riêng sẽ tiếp tục có cả những thuận lợi và thách thức. Nhất là trong bối cảnh diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn, thách thức, yếu tố rủi ro, bất định. Đặc biệt là căng thẳng địa chính trị và xung đột vũ trang ở châu Âu và Trung Đông, thiên tai, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nặng nề…đã làm tốc độ phục hồi kinh tế, tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư toàn cầu tiếp tục xu hướng chậm lại,” bà Tâm nói.

Cảnh báo về các "luật chơi" kỹ thuật

Các thách thức nội tại của doanh nghiệp cũng được các đại biểu chỉ ra tại hội thảo, trong đó vấn đề nan giải hiện nay là tiếp cận vốn.

Bà Tâm thẳng thắn: “VCCI tổ chức hội thảo này chính là để giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin, giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là các giải pháp tài chính thông minh, giúp tối ưu chi phí, đảm bảo hoạt động kinh doanh vững vàng trước những biến động khó lường."

Trao đổi về thách thức của nền kinh tế đối với doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhấn mạnh về xu hướng phát triển bền vững, cũng như sự gia tăng các biện pháp thương mại tại nhiều thị trường… Trong khi đó, quá trình chuyển đổi xanh của các doanh nghiệp Việt Nam còn tương đối chậm, ảnh hưởng đến khả năng thích ứng với các quy định về phát triển bền vững ở một số thị trường chính. Thêm vào đó, việc tiếp cận vốn theo chuỗi giá trị chưa phổ biến ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại, trong khi việc huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán còn khiêm tốn.

“Hơn nữa, việc khó là tiếp cận vốn vay ngoại tệ để nhập khẩu đầu vào, nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất xuất khẩu. Quy định pháp luật hiện hành mới chỉ tập trung vào một số hình thức như bao thanh toán, thư tín dụng,…, cũng là những thách thức mà doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt,” ông Dương nói.

Do vậy, ông Dương kiến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu các quy định mới ở các thị trường và đề ra kế hoạch ứng phó, nghiên cứu, triển khai các mô hình kinh doanh mới (kinh tế tuần hoàn, kinh tế số,...), tăng cường chia sẻ kinh nghiệm thích ứng với các xu hướng, quy định mới (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon, Quy định chống phá rừng của EU, bảo vệ dữ liệu cá nhân,...). Từ đó, doanh nghiệp đề xuất các hỗ trợ kỹ thuật phù hợp từ các đối tác.

Sau khi cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, bối cảnh và xu hướng thương mại quốc tế,, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, đã chỉ ra các nhà sản xuất nước ngoài và cả các nhà sản xuất Trung Quốc cũng đang tích cực tìm kiếm cơ sở sản xuất ở nước ngoài để đa dạng hóa chuỗi cung ứng, phân tán rủi ro.

z5685695890345_5071870f85f1448008e8f8e1d9be375c.jpg
Các chuyên gia cảnh báo về các "hàng rào kỹ thuật" mới như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, môi trường, lao động và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Về triển vọng năm 2025, ông Hải dự báo xuất nhập khẩu sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt nhờ thị trường thế giới ổn định, lạm phát giảm, nhu cầu phục hồi, sản xuất trong nước ổn định, thu hút FDI tốt và các FTA phát huy tác dụng. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về các "hàng rào kỹ thuật" mới như tiêu chuẩn chất lượng, an toàn, môi trường, lao động và nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Để tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức, ông Hải khuyến nghị doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng định hướng, kế hoạch kinh doanh dài hạn, chú trọng cạnh tranh, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng hỗ trợ của Nhà nước. Các doanh nghiệp cần tìm hiểu và tận dụng các FTA, đầu tư nâng cao nhân lực, ứng dụng công nghệ số, chủ động phương án dự phòng rủi ro và cảnh giác với gian lận thương mại quốc tế.

Tại đây, ông Ngô Khắc Lễ, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng nêu khuyến nghị doanh nghiệp sử dụng dịch vụ kho bãi linh hoạt, áp dụng kho ngoại quan, kho chung, đảm bảo tính bền vững, chuyển đổi sang công nghệ sản xuất xanh, tối ưu hóa lộ trình vận tải, quản lý rủi ro chuỗi cung ứng, tăng tỷ lệ thuê ngoài logistics và hợp tác với các đối tác.

Bên cạnh đó, phía đại diện VietinBank chia sẻ về các chương trình, gói lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Thông tin cụ thể về các gói hỗ trợ này sẽ giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục