Doanh nghiệp Nhật ngày càng bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế

Một kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ công ty tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chỉ là 55%, giảm mạnh so với con số 90% cách đây 1 năm và 84% vào đầu năm nay.
Doanh nghiệp Nhật ngày càng bi quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế ảnh 1Công nhân làm việc tại nhà máy sản xuất ô tô của Honda ở chi nhánh Yokkaichi, tỉnh Mie, Nhật Bản. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, kết quả thăm dò dư luận mới nhất của hãng tin Kyodo cho thấy giới doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng bi quan về triển vọng của nền kinh tế nước này.

Cuộc thăm dò này do Kyodo thực hiện trong nửa cuối tháng 7 với sự tham gia của 114 công ty, trong đó có các tập đoàn lớn như Toyota và SoftBank.

Kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ công ty tin rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chỉ là 55%, giảm mạnh so với con số 90% cách đây 1 năm và 84% vào đầu năm nay.

Mặc dù vậy, có khoảng 42% lo ngại nền kinh tế nước này có thể tăng trưởng chậm lại trong vòng 12 tháng tới trong bối cảnh các công ty đang phải vật lộn với chi phí gia tăng và đồng yen yếu, tăng mạnh so với tỷ lệ chỉ 5% cách đây 1 năm.

[Nhật Bản quyết định nâng lương tối thiểu lên hơn 7,2 USD mỗi giờ]

Cụ thể, 53% số công ty tham gia cuộc thăm dò này dự báo nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ khiêm tốn, 2% kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng vững chắc, 32% nhận định nền kinh tế có thể đi ngang và 10% cho rằng sẽ suy giảm nhẹ.

Tuy nhiên, không có công ty nào dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ rơi vào suy thoái.

Trong câu hỏi có nhiều câu trả lời, có 83% dự báo nền kinh tế Nhật Bản sẽ giảm tốc do các tác động tiêu cực của giá cả hàng hóa tăng cao, trong khi 58% nhận định chi tiêu dùng có thể tăng trưởng chậm hoặc thậm chí suy giảm.

Có khoảng 56% cho biết sự mất giá của đồng yen so với đồng USD và các đồng tiền chủ chốt khác sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này. 

Đối với dịch bệnh COVID-19, 39% công ty tin rằng cần coi dịch bệnh này tương tự như cúm mùa.

Về các biện pháp ứng phó với nguy cơ thiếu điện, hơn 50% công ty cho rằng cần tiết kiệm điện, trong khi 39% ủng hộ việc tái khởi động các lò phản ứng hạt nhân.

Cũng trong cuộc thăm dò này, mặc dù có một số công ty cho rằng quan điểm cứng rắn của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) trong việc duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng là nguyên nhân khiến đồng yen suy yếu và đẩy giá hàng hóa nhập khẩu tăng cao.

Tuy nhiên vẫn có 37% công ty tin rằng BOJ cần tiếp tục duy trì chính sách này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục