Chiều 19/10, Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long có buổi tiếp và làm việc với đại diện Công ty cổ phần KANBARA (tỉnh Niigata, Nhật Bản) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây (trụ sở tại thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long).
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết tỉnh có nhiều thuận lợi thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư như nằm ở vị trí trung tâm vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, tiếp giáp với 7 tỉnh trong vùng, có 5 tuyến quốc lộ và 3 tuyến đường sông quốc gia đi qua.
Với tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, cùng với cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2023 sẽ tạo thêm động lực phát triển kinh tế-xã hội cho tỉnh nói riêng và cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
"Buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Công ty cổ phần KANBARA Nhật Bản và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Phát triển nhân lực Miền Tây là cơ hội tốt để tỉnh giới thiệu về tiềm năng, lợi thế, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư...," Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh.
Cùng với đó, tỉnh mong muốn được tiếp xúc và hợp tác với các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản trên các lĩnh vực mời gọi đầu tư như chế biến, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu xây dựng..., nhằm tạo đột phá vệ cơ cấu kinh tế, chuyển đổi ngành phù hợp với điều kiện của địa phương và gắn với biến đổi khí hậu, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Lãnh đạo tỉnh cam kết luôn đồng hành và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của địa phương đối với các nhà đầu tư, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện dự án; đồng thời tạo điều kiện để nhà đầu tư tiếp cận, tìm hiểu cơ hội đầu tư và triển khai dự án trong thời gian tới.
[Doanh nghiệp Nhật Bản tìm cơ hội đầu tư vào Đồng bằng sông Cửu Long]
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Maeda Keisuke, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần KANBARA cho hay, qua tìm hiểu thực tế tại các khu công nghiệp trên địa bàn và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư của Trung ương và địa phương; doanh nghiệp đánh giá cao môi trường đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long; đồng thời mong muốn tiếp tục tìm hiểu và đầu tư để thành lập nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng tại tỉnh.
Từ quan điểm tạo nền móng để đạt hiệu quả trong sản xuất, ban đầu doanh nghiệp dự kiến sẽ thành lập nhà máy tại tỉnh, làm cơ sở vận chuyển nguyên liệu thô từ nước ngoài vào, sau đó gia công và xuất khẩu thành phẩm sang Nhật Bản.
"Doanh nghiệp mong muốn hợp tác tìm kiếm nguồn lao động tại địa phương, ưu tiên các thực tập sinh có kỹ năng đã kết thúc hợp đồng làm việc tại Nhật Bản và trở về nước; đồng thời tiếp tục đồng hành và hỗ trợ để doanh triển khai các bước tiếp theo trong quá trình tìm hiểu và đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh tại địa phương," ông Maeda Keisuke đề xuất.
Tỉnh Vĩnh Long có 2 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 395ha, 2 khu công nghiệp mới thành lập và đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng với tổng diện tích 750ha và 1 khu công nghiệp nhà đầu tư đang thực hiện các thủ tục thành lập với tổng diện tích 200ha...; có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 59,85%; đặc biệt từ năm 2015 đến năm 2022, tỉnh đưa 8.330 lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có hơn 6.900 lượt lao động sang làm việc tại Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Quyên Thanh cho biết thời gian qua, việc hợp tác đầu tư giữa tỉnh Vĩnh Long và các đối tác Nhật Bản đã đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Toàn tỉnh, có 11 dự án do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư với tổng số vốn gần 214 triệu USD, thuộc các lĩnh vực như sản xuất, gia công thực phẩm; sản xuất và chế biến nông sản; dịch vụ kho bãi, lưu giữ hàng hóa; sản xuất máy, công cụ, các linh kiện máy may…
Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sang thị trường Nhật Bản đạt 83,8 triệu USD, chiếm 15,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, tăng gấp 2 lần so với cùng năm trước; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,6 triệu USD, chiếm 13% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước…/.