Nhằm thúc đẩy quan hệ giao lưu hợp tác giữa doanh nghiệp các khối nước ASEAN và Nhật Bản trong lĩnh vực công nghệ thông tin, kỹ thuật số, internet vạn vật..., Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã triển khai Dự án “Phát triển ngành công nghiệp mới ASEAN–Nhật Bản”.
[Xây dựng kế hoạch nắm bắt tri thức cách mạng 4.0 cho công nhân]
Trong khuôn khổ Dự án này, JETRO tổ chức sự kiện Networking – Giao lưu doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản, ngày 12/1, tại Hà Nội
Tại sự kiện, hơn 100 đại diện doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam, Nhật Bản và ASEAN (không hạn chế quy mô, ngành nghề lĩnh vực kinh doanh) đã giao lưu, trao đổi về ý tưởng, kỹ thuật tân tiến..., từ đó phát kiến các dự án, triển vọng kinh doanh mới.
Ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện văn phòng Jetro Hanoi cho biết, trong khuôn khổ dự án “Phát triển ngành công nghiệp mới ASEAN–Nhật Bản”, Việt Nam là quốc gia thứ 5 được tổ chức sự kiện Networking.
Trước đó, chương trình tương tự đã được JETRO tổ chức tại Bankok-Thái Lan, Jakarta-Indonesia, Manila-Philippines, Kuala Lumpur-Malaysia và nhận được phản hồi tích cực từ phía các đơn vị tham gia.
“Chúng tôi mong muốn thông qua sự kiện này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai nước kết nối giao thương. Về cơ bản các doanh nghiệp các bên đều có năng lực nhất định khi đưa ra quyết định khởi nghiệp. Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp Nhật Bản, họ ấp ủ rất nhiều ý tưởng khác nhau và có khả năng đánh giá nhu cầu thị trường Nhật Bản cũng như thị trường thế giới nói chung. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam lại có năng lực về kỹ thuật, sáng tạo…, bởi vậy sẽ có nhiều hội tốt để trở thành đối tác của nhau,” ông Hironobu nói.
Cũng tại sự kiện, tiến sỹ Lê Thái Phong, Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngoại thương nhấn mạnh, hệ sinh thái khỏi nghiệp Việt Nam hiện đã khá đầy đủ so với yêu cầu, từ giai đoạn trong quá trình khởi nghiệp đều có các đối tượng hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Phong chỉ ra, điểm yếu của hệ sinh thái khởi nghiệp là bị phân tán, hiện có rất nhiều tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, từ bộ, ban ngành… đến các trường đại học, các đại sứ quán, song lại thiếu vắng một nơi làm đầu mối.
“Điều này có nghĩa là có mọi thứ mà lại không có gì,” ông Phong nhấn mạnh.
Ngoài ra, các đại biểu đến tham dự sự kiện cũng băn khoăn về một số hạn chế trong hệ sinh thái Việt Nam so với khu vực và quốc tế. Tại nhiều quốc gia, giai đoạn xin giấy phép đầu tiên, người khởi nghiệp hầu như không mất chi phí và mất thời gian khoảng 30 phút. Nhưng ở Việt Nam, chi phí tối thiểu là 50USD và mất 7 ngày đăng ký.
Điểm thứ hai, cùng một môi trường kinh doanh song giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước vẫn có sự phân biệt rất rõ, cụ thể liên quan việc xin giấy phép, các thủ tục hành chính, thời gian xử lý công việc….
Ông Phong nhấn mạnh: “Chính phủ chủ trương có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, song ở một số khâu thực hiện lại chưa thực sự hiểu sâu sắc về vai trò của khởi nghiệp. Phía các chính quyền địa phương vẫn gây những khó khăn, đặc biệt là họ yêu cầu doanh nghiệp khởi nghiệp đóng thuế VAT cho những thứ không cần thiết”./.