Doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Thừa Thiên-Huế

Đoàn doanh nghiệp thành phố Asahikawa, Nhật Bản, đến tìm hiểu thêm những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên-Huế vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng.
Khách du lịch tại Thừa Thiên-Huế (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Trong hai ngày 29 và 30/8, Đoàn doanh nghiệp thành phố Asahikawa, Nhật Bản, đã đến thăm, đi thực tế và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Đoàn gồm: các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, tài chính, ngân hàng, chế biến nông sản, khách sạn và chăm sóc y tế; cùng các nhà nghiên cứu khoa học thuộc Trường Đại học tại Asahikawa, Nhật Bản.

Làm việc với đoàn, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung bày tỏ vui mừng được đón tiếp đoàn doanh nghiệp thành phố Asahikawa đến tìm hiểu cơ hội đầu tư phát triển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Phó chủ tịch Nguyễn Dung khẳng định những lĩnh vực của các doanh nghiệp Nhật Bản được đầu tư phát triển tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, nhất là về phát triển dịch vụ thương mại phục vụ phát triển du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng, xây dựng đô thị thông minh cũng như triển khai các dịch vụ an sinh xã hội... thời gian qua đều đang phát huy hiệu quả tốt.

Ông Kazuhiko Sato cho biết chuyến thăm đến Huế của đoàn lần này là cơ hội tìm hiểu thêm những chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Thừa Thiên-Huế vào các lĩnh vực thương mại, du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng.

Bên cạnh đó, đoàn cũng mong muốn được tham gia vào các hoạt động giao lưu văn hóa và giao lưu nhân dân giữa Asahikawa với Huế nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa các địa phương, thành phố của Nhật Bản với tỉnh Thừa Thiên-Huế nói riêng và hai nước Nhật Bản và Việt Nam nói chung. 

Theo Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Dung, hiện nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang có nhiều mối quan hệ hợp tác với nhiều tỉnh và thành phố của Nhật Bản. Vì vậy, hoạt động của đoàn doanh nghiệp thành phố Asahikawa lần này là cơ hội tốt cho việc mở rộng hơn nữa mối quan hệ hợp tác toàn diện trên tất cả các lĩnh vực giữa các địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản với tỉnh Thừa Thiên-Huế trong thời gian tới.

[Quan hệ Việt-Nhật đang phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất]

Hiện nay, Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn cho Việt Nam nói chung và cho Thừa Thiên-Huế nói riêng.

Gần đây nhất, tỉnh Thừa Thiên-Huế đang thực hiện dự án "Cải thiện môi trường nước thành phố Huế" giai đoạn 1, do JICA tài trợ cho thành phố Huế bằng nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi của Chính phủ Nhật Bản với với tổng mức đầu tư 24,008 tỷ yen (tương đương 3.169 tỷ đồng).

Dự án kết thúc vào năm 2020, góp phần cải thiện môi trường sống cho hơn 400.000 người dân trong thành phố và các vùng lân cận; giúp giảm ngập lụt trong mùa lũ, bảo vệ các di sản, đồng thời cải thiện sông ngòi, nâng cao hệ thống cấp thoát nước tại thành phố Huế.

Dự án quản lý cấp nước an toàn Việt Nam-Nhật Bản, theo chương trình hợp tác giữa Công ty HueWACO và Cục nước Yokohama.

Mục tiêu của dự án là trao đổi, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực cấp nước của đối tác Nhật Bản và Việt Nam nhằm cải thiện công tác quản lý cấp nước cho các công ty cấp nước khu vực miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Nhật Bản cũng đã hỗ trợ cho tỉnh Thừa Thiên-Huế trong phát triển nguồn nhân lực như dự án đào tạo phát triển nguồn nhân lực ngành cấp nước tại miền Trung Việt Nam do tổ chức JICA tài trợ thông qua Công ty HueWACO.

Dự án đã cung cấp trang thiết bị, máy móc,vật liệu cần thiết cho việc nâng cấp vận hành nhà máy cấp nước đạt tiêu chuẩn chất lượng và tiếp nhận cán bộ Việt Nam đưa sang đào tạo tại Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã tích cực hỗ trợ tỉnh Thừa Thiên-Huế trong việc bảo tồn, phục dựng các công trình kiến trúc cung điện, lăng tẩm của kinh thành Huế thông qua các tổ chức như Viện nghiên cứu Di sản thế giới UNESCO-Đại học Waseda, Đại học Nữ Chiêu Hòa, Đại học Kyoto-Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ tổng kinh phí gần 4,5 triệu USD trùng tu các di tích như: nghiên cứu bảo tồn di tích Huế và dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc tiêu biểu của triều Nguyễn nằm trong khu vực Hoàng thành Huế; trùng tu di tích Hữu Tùng Tự-lăng Minh Mạng; Chính phủ Nhật Bản thông qua Quỹ ủy thác của UNESCO cũng đã tài trợ 100.000 USD trùng tu công trình Ngọ Môn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục