Theo người phát ngôn của Chính phủ, việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn. Doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích và tự chịu mọi rủi ro.
Đây là phần trả lời của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên trong phiên họp báo Chính phủ tối 27/11 trước những lo lắng khoản nợ của doanh nghiệp Nhà nước được Chính phủ bảo lãnh có nguy cơ đe dọa an ninh tài chính quốc gia.
Đưa ra thống kê trong nội dung trả lời báo chí, người phát ngôn Chính phủ cho biết, đến hết năm 2014, tổng số nợ của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước gần 1,57 triệu tỉ đồng, so với vốn chủ sở hữu là 1,41 lần (mức quy định chung là không quá 3 lần).
Theo Bộ trưởng, hiện nay, nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 19% tổng nợ công (cụ thể, trong cơ cấu nợ công thì 80% là nợ Chính phủ, 19% là nợ Chính phủ bảo lãnh và 1 % là nợ chính quyền địa phương). Nếu tính theo % so với GDP thì nợ Chính phủ bảo lãnh chiếm 11,4% GDP.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc Chính phủ cấp bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn là để tạo điều kiện cho các đơn vị có thể huy động được nguồn vốn có giá trị lớn mà đôi khi các tổ chức tín dụng đòi hỏi phải có bảo lãnh của Chính phủ.
"Bên cạnh đó, chi phí của khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ sẽ thấp hơn so với trường hợp doanh nghiệp trực tiếp vay thương mại thông thường," người phát ngôn Chính phủ cho biết.
Khẳng định việc bảo lãnh đều thực hiện chặt theo quy định, Bộ trưởng cho hay, việc cấp bảo lãnh Chính phủ cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài thực hiện các dự án đầu tư cấp bách, trọng điểm của Nhà nước có ý nghĩa quan trọng nhất là trong các giai đoạn nguồn vốn trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.
"Các doanh nghiệp Nhà nước có trách nhiệm sử dụng vốn vay đúng mục đích, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn," Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định./.