Nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi. Ngược lại, không ít đơn vị lại có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Đây là nội dung trong kết quả kiểm toán doanh nghiệp và các tổ chức tài chính ngân hàng vừa được Kiểm toán Nhà nước báo cáo Quốc hội.
Cả trăm tỷ đồng nợ khó đòi
Theo báo cáo, năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn Nhà nước của 253 doanh nghiệp thuộc 31 tập đoàn, tổng công ty và công ty, 1 chuyên đề và 8 dự án độc lập trong lĩnh vực đầu tư xây dựng.
Kết quả cho thấy 30/31 tập đoàn, tổng công ty, công ty nhà nước được kiểm toán kinh doanh có lãi, bảo toàn và phát triển được vốn. Ví dụ, lợi nhuận sau thuế năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là hơn 40.600 tỷ đồng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là 7.255 tỷ đồng, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) là 6.450 tỷ đồng.
[Kiểm toán Nhà nước chỉ ra điều gì bất thường tại các dự án ODA?]
Tuy vậy, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hạn chế là phần lớn tập đoàn, tổng công ty sai sót trong việc hạch toán kế toán, kê khai nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Qua kiểm toán, cơ quan chức năng đã kiến nghị tăng thu ngân sách 10.896 tỷ đồng và 336.999 USD.
Đáng chú ý, nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, để phát sinh nợ phải thu quá hạn, khó đòi lớn. Ví dụ: Công ty mẹ PVN có khoản nợ 11.368 tỷ đồng, Công ty mẹ VNPT là 432 tỷ đồng, Vinaphone còn 385 tỷ đồng, Công ty mẹ MobiFone 322 tỷ đồng...
Tại các đơn vị, có tình trạng vật tư hàng hóa ứ đọng, chậm luân chuyển lớn như PVN còn 386 tỷ đồng, EVN là 172 tỷ đồng, MobiFone 51 tỷ đồng, Viglacera 57 tỷ đồng...
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra việc đầu tư tài sản cố định của các doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả gây lãng phí.
Đơn cử là Công ty mẹ - Tổng công ty Thanh Lễ đầu tư xây dựng kho nhớt tại phường Chánh Mỹ tỉnh Bình Dương 8,97 tỷ đồng nhưng chưa đưa vào sử dụng từ năm 2015 đến nay. Hoặc tại Tổng công ty Đầu tư nước và Môi trường Việt Nam (Viwaseen), công suất thiết kế nhà máy là 5.000 m3/ngày đêm nhưng thực tế sử dụng 3.000 m3/ngày đêm.
Dùng vốn vay không đúng mục đích
Ở hướng khác, Kiểm toán Nhà nước đánh giá: Một số doanh nghiệp có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao, kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay các tổ chức tín dụng, tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.
Ví dụ: Tại PVN: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khách sạn Dầu khí PTSC có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu là 4,8 lần, Công ty trách nhiệm hữu hạn Khảo sát địa Vật lý PTSC CGGV có hệ số 3,2 lần.
Tương tự, tại EVN, Công ty mẹ-EVNGENCO1 có hệ số 5,48 lần, Công ty mẹ-EVNGENCO3 là 6,41 lần, Công ty cổ phần Phong Điện Thuận Bình 5,02 lần.
Ngoài ra, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tại Công ty cổ phần Dược Trung ương 3 là 19,23 lần, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương Codupha 9,02 lần, Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CPC1 là 6,85 lần,...
Tại các doanh nghiệp, có tình trạng sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Kiểm toán Nhà nước lấy ví dụ về Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) với 4 hợp đồng vay 11 triệu euro và 150 tỷ đồng mục đích là bổ sung vốn lưu động nhưng Sagri chuyển tiền vào tài khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Theo Kiểm toán Nhà nước, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trực thuộc tập đoàn, tổng công ty không hiệu quả dẫn đến thua lỗ lớn, mất vốn chủ sở hữu, phải giải thể.
Cụ thể, lỗ lũy kế đến 31/12/2017 của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí 3.377 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển nhà Hà Nội số 68 là 51 tỷ đồng; 5/21 công ty con Viglacera lỗ 81 tỷ đồng; 2/5 công ty con của Sagri lỗ 67 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải Sông Sài Gòn thuộc Tổng công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) đang thực hiện thủ tục giải thể.
Đáng chú ý, báo cáo kiểm toán nhắc tới đánh giá: Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PVN không hiệu quả, tiềm ẩn rủi ro mất vốn, thua lỗ cao. Bằng chứng là 24 dự án tìm kiếm thăm dò phát triển dầu khí không thành công đã và đang hoàn thành thủ tục chấm dứt dự án (tổng chi phí 773 triệu USD); Dự án Danan - Iran và Dự án Junin 2 - Venezuela dừng, giãn tiến độ (660 triệu USD); 2 Dự án tại Peru đang xin chủ trương chuyển nhượng (849 triệu USD)./.