Doanh nghiệp ngừng trích 1.000 đồng mỗi lít xăng

Theo công văn của Bộ Tài chính, từ 15/12, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít với mặt hàng xăng.
Theo công văn về điều hành giá xăng của Bộ Tài chính, kể từ ngày 15/12, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu thực hiện cơ chế giá xăng dầu theo quy chế và ngừng trích khoản 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng.

Theo Bộ Tài chính, đến nay ngân sách Nhà nước đã thu đủ số tiền tạm ứng cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để tự xử lý số lỗ kinh doanh mặt hàng xăng.

Bộ Tài chính cũng có quyết định số thành lập Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu để giám sát việc điều chỉnh giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối và tham mưu cho lãnh đạo Liên Bộ Tài chính-Công Thương quản lý, điều hành giá xăng dầu theo quy định.

Tổ giám sát liên ngành có nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ về giá xăng dầu của các thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối gửi; theo dõi việc điều chỉnh giá xăng, dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng như xem xét, đề xuất báo cáo Liên Bộ Tài chính-Công Thương về mức giá bán xăng, dầu do các doanh nghiệp này quyết định theo đúng quy định.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu Tổ giám sát liên ngành kể từ khi nhận được hồ sơ giá xăng dầu của thương nhân đầu mối gửi đến, chậm nhất sau 2 ngày làm việc, các thành viên của tổ phải gửi ý kiến của bộ chủ quản hoặc của đơn vị mình đến tổ trưởng Tổ giám sát liên ngành về hồ sơ giá xăng dầu của các thương nhân để tổng hợp.

Nếu sau 2 ngày làm việc, tổ trưởng Tổ giám sát liên ngành về giá xăng dầu không nhận được ý kiến phản hồi bằng văn bản của các thành viên, thì coi như thành viên đó chấp thuận với quyết định giá của thương nhân đầu mối.

Trong trường hợp tổ giám sát phát hiện giá do thương nhân quy định không hợp lý, tổ giám sát sẽ có thông báo bằng văn bản cho thương nhân đầu mối, không chấp thuận mức giá điều chỉnh của thương nhân và yêu cầu thương nhân phải bán với mức giá hợp lý.

Trường hợp các yếu tố cấu thành giá biến động làm cho giá cơ sở tăng (hoặc giảm) trên 12% so với giá bán lẻ hiện hành, hoặc điều chỉnh giá xăng, dầu có tác động bất lợi đến phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân, tổ giám sát phải kịp thời đề xuất các giải pháp bình ổn giá để lãnh đạo liên Bộ Tài chính-Công Thương xử lý theo quy định của pháp luật./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục