Doanh nghiệp nắm chắc yêu cầu để thúc đẩy xuất khẩu vào Trung Quốc

Trước nhiều yêu cầu mới, khắt khe từ phía Trung Quốc, nông dân và doanh nghiệp cần xây dựng chất lượng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, đặc biệt là tránh tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu.
Việc trái sầu riêng Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã mở ra một triển vọng mới. (Nguồn: TTXVN)

Với việc Trung Quốc liên tục mở cửa các sản phẩm nông sản Việt Nam, cùng với chính sách Zero COVID ngay từ đầu năm đã tạo thuận lợi cho mặt hàng nông sản của Việt Nam tiếp tục chinh phục thị trường này.

Tuy nhiên, trước nhiều yêu cầu mới, khắt khe của thị trường này đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp Việt phải nắm chắc yêu cầu thị trường, xây dựng chất lượng mới có thể đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là tránh tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu gây thiệt hại, giảm chất lượng sản phẩm.

Ngay từ đầu năm, nhiều mặt hàng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tăng trưởng khá, tháng sau luôn cao hơn tháng trước ở mức 2 con số như dưa hấu, xoài, mít… và đặc biệt là sầu riêng khi mở cửa được thị trường này vào năm 2022 có thể lọt danh sách mặt hàng tỷ đô trong năm nay.

Với 70% nông sản đi Trung Quốc bằng đường bộ nên khi thông quan trở lại bình thường, hoạt động xuất khẩu được diễn ra nhanh chóng, chỉ 1,5-2 ngày là hàng hóa từ vườn đã tới cửa khẩu.

Song theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Trung Quốc cũng đưa ra các yêu cầu, tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm nhập khẩu ngang bằng, thậm chí đã quy định về đăng ký cấp phép, thủ tục kiểm nghiệm kiểm dịch thông quan còn chặt chẽ hơn cả thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản.

[Khuyến cáo DN chuyển sang chính ngạch khi xuất khẩu sang Trung Quốc]

Hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có nhiều thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực kiểm nghiệm, kiểm dịch động thực vật xuất, nhập khẩu. Trong số đó, có thể kể đến Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật giữa Việt Nam và Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác đảm bảo an toàn thực phẩm nông sản, thực phẩm xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc; Thỏa thuận hợp tác về kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản và sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu…

Cùng với đó là các Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch đối với từng sản phẩm như: gạo, thạch đen, măng cụt, khoai lang, sầu riêng.

Sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu vào Trung Quốc ngày càng phải đáp ứng chất lượng cao khi phải thực hiện Lệnh 249 về các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu; Lệnh 248 quy định về quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm. Từ xây dựng vùng nguyên liệu, đến kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đóng gói… đều phải đáp ứng đúng tiêu chuẩn của thị trường này.

Các xe container chở thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để duy trì và thúc đẩy hoạt động giao thương sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện Lệnh 248 và Lệnh 249 một cách nghiêm túc; đồng thời, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật trước khi Trung Quốc tiến hành kiểm tra trực tuyến và kiểm tra thực địa.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Vina T&T Group cho biết, Trung Quốc luôn là thị trường lớn của nông sản Việt. Với việc phải thực thi các Lệnh 248 và Lệnh 249, nông sản Việt từng bước chuẩn hóa, chuyên nghiệp hơn từ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… đến việc khai báo hồ sơ.

“Khi nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường chính ngạch thì việc tuân thủ các quy định của thị trường này còn khó hơn so với nhiều thị trường khác” - ông Nguyễn Đình Tùng đánh giá.

Trong khi đó, việc hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai nước còn thiếu tính bền vững. Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hai bên chưa xây dựng được chuỗi liên kết nông sản an toàn và bền vững để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Chuỗi cung ứng chưa được xuyên suốt còn đứt gãy nên các doanh nghiệp Việt vẫn chủ yếu như bán lẻ và đi tìm mối, không có sự kết nối.

Với sản xuất nông sản vốn mang tính thời vụ, để đáp ứng các yêu cầu của thị trường Trung Quốc, việc nắm bắt sớm các thông tin yêu cầu từ nước bạn là việc cần thiết của các doanh nghiệp. Qua đó, rút ngắn thời gian, đảm bảo được mục tiêu hoạt động, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng chính bởi điều này mà trong chuyến công tác vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đã đề xuất và được lãnh đạo 2 tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) thống nhất chủ trương về xúc tiến thành lập 2 Hiệp hội doanh nghiệp nông sản Việt Nam-Quảng Tây (Trung Quốc) và Việt Nam-Vân Nam (Trung Quốc).

Sự kết nối của các doanh nghiệp hai bên sẽ hình thành chuỗi cung ứng nông sản. Qua đó, các cơ quan chức năng hai nước sẽ tạo điều kiện, tháo gỡ kịp thời nếu có vướng mắc.

Doanh nghiệp Việt cũng có thể nắm bắt được nhu cầu nông sản từ phía Trung Quốc. Doanh nghiệp có thể đăng ký trước thời gian thông quan ở cửa khẩu, giảm nguy cơ gây ách tắc. Khi xây dựng được chuỗi giá trị sẽ duy trì được kết nối, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, hạ tầng khu vực cửa khẩu của hai bên hiện đều đang quá tải so với nhu cầu giao thương, nhiều mặt hàng nông sản tươi có giá trị cao vào vụ, có nhu cầu từ doanh nghiệp Trung Quốc nhưng thường bị ách tắc tại cửa khẩu. Bởi vậy, phía Trung Quốc đã đề xuất nâng cấp theo hướng cửa khẩu thông minh, sử dụng công nghệ số kiểm soát. Đây là ý tưởng rất phù hợp để giải quyết ách tắc.

Nếu hai bên triển khai được mô hình cửa khẩu thông minh, cửa khẩu số, ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, việc xuất khẩu không chỉ thuận lợi hơn, xuất khẩu hàng hóa được nhiều hơn mà cách làm của doanh nghiệp cũng tiến tới chuyên nghiệp hơn./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục