Doanh nghiệp Na Uy quan tâm đến thị trường Việt Nam

Đại diện thương mại Na Uy khẳng định Việt Nam ngày càng trở thành một quốc gia quan trọng đối với giới doanh nghiệp nước này.

Trong chiến lược hợp tác với Việt Nam, Vương quốc Na Uy xác định hợp tác về kinh tế-thương mại là một lĩnh vực then chốt nhằm thúc đẩy quan hệ song phương nói chung.

Điều này chứng tỏ mối quan tâm của giới doanh nghiệp Na Uy đối với thị trường giàu tiềm năng của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực khác nhau như thủy điện, dầu khí, đóng tàu, hàng hải, ngư nghiệp...

Là quốc gia ở Bắc Âu, Na Uy có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhất là về năng lượng (dầu khí, thủy điện), thủy hải sản và rừng. Bên cạnh đó, xã hội ổn định, lực lượng lao động có trình độ và tay nghề cao cũng là những yếu tố thuận lợi giúp Na Uy trở thành một nước công nghiệp phát triển. Tuy nhiên, nhu cầu trên thị trường nội địa Na Uy không cao do dân số ít (hơn 5 triệu người). Vì vậy, ngoại thương luôn chiếm vị trí hàng đầu trong cơ cấu nền kinh tế đất nước Bắc Âu này.

Theo đánh giá chung của các doanh nghiệp Na Uy, Việt Nam có vị thế ngày càng quan trọng trong quá trình họ tìm kiếm đối tác làm ăn và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Trao đổi với phóng viên trước thềm chuyến thăm Việt Nam của Thái tử kế vị Vương quốc Na Uy Haakon (từ 18-21/3), ông Finn Kristian Aamodt - Quyền Chủ tịch Innovation Norway (Cơ quan chuyên trách thương vụ của Na Uy ở nước ngoài), khẳng định rằng Việt Nam ngày càng trở thành một quốc gia quan trọng đối với giới doanh nghiệp nước này.

"Chúng ta có nhiều điểm tương đồng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Chúng ta đều có bờ biển dài, vì vậy hai nước có thể hợp tác với nhau trong những ngành công nghiệp liên quan đến biển và hàng hải," ông Finn Kristian Aamodt nói.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trao đổi thương mại hai chiều chưa thực sự tương xứng với tiềm năng cũng như mong muốn của cả hai nước. "Hiện hai nước đề ra mục tiêu Việt Nam tăng kim ngạch xuất khẩu sang Na Uy lên khoảng 320 triệu USD, và Na Uy là khoảng 230 triệu USD. Tôi cho rằng con số này đã nói lên những mục tiêu mà chúng ta mong muốn tăng cường trong quan hệ thương mại," ông chia sẻ.

Cũng theo ông Finn Kristian Aamodt, hầu hết các doanh nghiệp Na Uy đến với thị trường Việt Nam khoảng từ năm 2006. Hiện họ vẫn nỗ lực hội nhập và tìm cách mở rộng hoạt động kinh doanh ở Việt Nam.

Thành lập từ năm 2002, công ty năng lượng tái tạo SN Power - công ty "con" của Tập đoàn Statkraft và Norfund, đặt mục tiêu trở thành đối tác hàng đầu chuyên về thủy điện ở những thị trường đang nổi trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển bền vững.

Ông Kjell Martin Grimeland - Phó Chủ tịch điều hành SN Power, cho biết SN Power có mặt ở thị trường Việt Nam hơn năm năm trước, và công ty đã chính thức mở văn phòng tại Hà Nội vào năm 2010.

Ông khẳng định những bước đi cụ thể này đều dựa trên một niềm tin mãnh liệt rằng thị trường điện Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều cơ hội hấp dẫn cho SN Power. Công ty đang tích cực nghiên cứu và tìm hiểu khả năng đầu tư vào lĩnh vực thủy điện ở Việt Nam. Mục tiêu mà SN Power hướng tới là trở thành một đối tác lâu dài và tích cực đóng góp cho ngành điện Việt Nam.

"Trong suốt ba năm qua, nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm thiết lập một lộ trình điều chỉnh thị trường điện và hình thành thị trường bán sỉ đã động viên khích lệ chúng tôi rất nhiều. Tôi cho rằng đây là một hướng đi đúng đắn, giúp củng cố quyết tâm của SN Power làm ăn lâu dài ở thị trường Việt Nam," ông nói.

Theo ông Finn Kristian Aamodt, các doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh ở thị trường Na Uy. Ý kiến này cũng nhận được sự ủng hộ của bà Astri Sophie Platou (Trưởng bộ phận Thương mại Quốc tế thuộc Phòng Thương mại Oslo) nơi chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư hay kinh doanh ở thị trường Na Uy.

Bà cho rằng mặc dù không phải là thành viên Liên minh châu Âu (EU), nhưng Na Uy lại tham gia Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Đây sẽ là một thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư Việt Nam, nhất là khi Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch Tự do châu Âu (EFTA, gồm Na Uy, Thụy Sỹ, Iceland và Liechtenstein) hoàn tất tiến trình đàm phán về hiệp định mậu dịch tự do (FTA).

Theo Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai, tiếp tục thúc đẩy việc hoàn tất đàm phán và sớm ký kết FTA giữa Việt Nam và EFTA là một trong những trọng tâm hợp tác giữa Việt Nam và Na Uy trong thời gian tới nhằm tạo thuận lợi cho đầu tư, thương mại song phương.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Na Uy cũng sẽ tăng cường tiếp xúc, trao đổi giữa các doanh nghiệp; thông qua việc chia sẻ thông tin, diễn đàn doanh nghiệp để xúc tiến thương mại trong các lĩnh vực mà Na Uy có thế mạnh và Việt Nam ưu tiên phát triển như hàng hải, thủy sản, dầu khí, năng lượng sạch.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục