Doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài "khẩu chiến" về việc bảo hộ thép

Giới lãnh đạo ngành thép của Mỹ cho rằng hoạt động nhập khẩu ồ ạt đang làm xói mòn nền tảng công nghiệp nước này và có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất năng lượng và thiết bị quốc phòng.
Doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài "khẩu chiến" về việc bảo hộ thép ảnh 1Sản xuất thép tại một nhà máy ở Đường Sơn, Hà Bắc (Trung Quốc) ngày 12/5/2016. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Các nhà sản xuất thép của Mỹ cho rằng nhập khẩu thép ồ ạt đang đe dọa an ninh quốc gia, trong khi các chính phủ và tập đoàn nước ngoài kêu gọi Washington thận trọng với việc áp dụng các biện pháp bảo hộ tăng cường đối với mặt hàng này.

Ngày 24/5, Bộ Thương mại Mỹ tổ chức một phiên điều trần trong khuôn khổ điều tra của bộ trên về những tác động của nhập khẩu thép tới an ninh quốc gia.

Kết luận của cuộc điều tra mang tính quyết định đối với việc Washington áp đặt thêm thuế hoặc hạn ngạch đối với sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài.

[Tổng thống Donald Trump yêu cầu điều tra thép nhập khẩu từ Trung Quốc]

Phát biểu tại phiên điều trần, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross bày tỏ hy vọng hoàn thành công tác đánh giá vào cuối tháng Sáu tới.

Giới lãnh đạo ngành thép của Mỹ cho rằng hoạt động nhập khẩu ồ ạt đang làm xói mòn nền tảng công nghiệp nước này và theo đó có thể tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất năng lượng và thiết bị quốc phòng.

Ông John Ferriola, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nucor, nhà cung cấp thép để sản xuất hàng loạt thiết bị quân sự bao gồm xe Humvee và hệ thống tên lửa Patriot, nhấn mạnh hoạt động của hãng đòi hỏi "đầu tư liên tục" để đáp ứng nhu cầu của quân đội Mỹ. Tuy nhiên, dư thừa lượng cung toàn cầu và cạnh tranh thiếu công bằng từ hàng nhập khẩu đang đe dọa khả năng đầu tư của các doanh nghiệp thép nội địa Mỹ.

Trong khi đó, Giám đốc AK Steel Roger Newport cho rằng nhập khẩu đang de dọa hoạt động sản xuất thép sử dụng trong sản xuất và truyền tải điện, đẩy mạng lưới cung cấp điện của Mỹ vào nguy cơ phải phụ thuộc vào nhập khẩu.

Đáp lại, các nhà sản xuất thép nước ngoài cảnh báo việc dựng thêm các rào cản thương mại là không cần thiết và mang lại những tác động không mong muốn.

Ông Karl Tachelet, quan chức của Hiệp hội công nghiệp thép châu Âu (Eurofer), cho rằng những hành động hạn chế thương mại đơn phương sẽ không giúp mang lại giải pháp dài hạn mà các bên đều đang tìm kiếm.

Trong khi đó, đại diện của Bộ Thương mại Trung Quốc dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ rằng nhu cầu thép phục vụ hoạt động quốc phòng Mỹ chỉ chiếm 3% khối lượng thép giao nội địa kèm nhận định mức độ sản xuất hiện tại hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu quốc phòng trước mắt cũng như trong tương lai.

Về phần mình, đại diện phái bộ thương mại của Nga tại Mỹ nêu rõ hoạt động xuất khẩu thép của Nga sang Mỹ đã và đang gặp nhiều giới hạn do các biện pháp chống bán phá giá và thuế của Washington.

Cũng trong ngày 24/5, trả lời phóng viên tại Washington, Bộ trưởng Kinh tế Đức Brigitte Zypries bày tỏ quan ngại cuộc điều tra của Mỹ có thể dẫn tới việc kim loại xuất khẩu từ Đức sang Mỹ phải chịu mức thuế quan cao hơn.

Bà Zypries đang ở Washington để gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, đồng thời bày tỏ hy vọng trao đổi trực tiếp vấn đề này với Bộ trưởng Wilbur Ross./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục