Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc bi quan về triển vọng kinh doanh 2019

Theo khảo sát ACCC, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh năm nay, với nhiều người lo ngại về quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế gới.
Doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc bi quan về triển vọng kinh doanh 2019 ảnh 1Vận chuyển hàng hóa tại Cảng Long Beach ở Los Angeles, bang California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc (ACCC) tiến hành, các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc tỏ ra bi quan về triển vọng kinh doanh năm nay, với nhiều người lo ngại về quan hệ thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và hoạt động đầu tư đình trệ.

Cuộc khảo sát được tiến hành đối với 314 doanh nghiệp Mỹ kể trên cũng nêu ra những thách thức mà doanh nghiệp Mỹ phải đối mặt, sau khi Bắc Kinh và Washington có động thái áp thuế đáp trả lẫn nhau đối với số hàng hóa trị giá hơn 300 tỷ USD của hai nước.

Báo cáo kết quả của cuộc khảo sát được công bố hai ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo hoãn kế hoạch đánh thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trong tuần này, sau khi hai bên đạt được những tiến bộ đáng kể trong đàm phán thương mại. 

Theo khảo sát, 89% số doanh nghiệp có cái nhìn bi quan về mối quan hệ thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Các biện pháp và hàng rào thuế quan đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp Mỹ, làm tăng chi phí và giảm nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, thậm chí một số công ty đã buộc phải giảm bớt nhân công.

[Tín hiệu cho thấy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung còn kéo dài]

Quan hệ thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là mối lo ngại hàng đầu đối với doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực.

Theo kết quả khảo sát, gần 2/3 số doanh nghiệp được khảo sát xác nhận căng thẳng đã ảnh hưởng đến các kế hoạch kinh doanh của họ với thị trường Trung Quốc và khiến gần 25% số công ty quyết định trì hoãn đầu tư thêm tại đây.

ACCC cho biết cuộc thương mại chiến giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới làm gia tăng quá trình xét duyệt, chậm trễ thủ tục hải quan và gây thêm áp lực về quy định đối với nhiều doanh nghiệp. 1/5 doanh nghiệp được hỏi cho biết đã di dời hoặc đang cân nhắc di dời cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. 

Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng tiếp cận thị trường - mối lo ngại từ lâu nay đối với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu - vẫn duy trì là một vấn đề đối với 3/4 doanh nghiệp.

Chủ tịch ACCC Timothy Stratford nhấn mạnh Trung Quốc vẫn là một thị trường quan trọng đối với nhiều doanh nghiệp Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục