Doanh nghiệp mong muốn giảm trung gian để xâm nhập thị trường

Đại diện doanh nghiệp cho rằng, vai trò của thương vụ và tham tán rất quan trọng bởi doanh nghiệp dù có quy mô rất lớn như nhưng họ cũng không thể nào biết tường tận các nhà sản xuất.
Doanh nghiệp mong muốn giảm trung gian để xâm nhập thị trường ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Đánh giá cao vai trò của các tham tán thương mại trong việc kết nối thông tin, đa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vươn ra thế giới nhưng nhiều doanh nghiệp cũng mong muốn việc kết nối được cụ thể hơn, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

[Thủ tướng: Cái khó không phải năng lực sản xuất mà là thị trường]

Vẫn phải đi đường vòng

Là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực đồ gỗ và nội thất, bà Lưu Kim Anh, Giám đốc Công ty nội thất Bắc Âu cho biết, từ trước đến nay hoạt động xuất khẩu của công ty vẫn chủ yếu thông qua các khâu trung gian.

​Theo đó, với 70% hàng hóa của Công ty được xuất sang cá thị trường như Mỹ, Anh, Nhật Bản còn lại 30% bán tại nội địa. Chính vì vậy, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa cao, thậm chí chỉ đủ để bù lại cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, phục vụ việc mở rộng thị trường.

Từ thực tế này, bà Anh mong muốn được kết nối với các tham tán thương mại để được tiếp cận khách hàng ​trực tiếp, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp có thể xuất khẩu nhanh hơn tới các đối tác.

"Doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng thị trường và mong muốn được tiếp cận khách hàng trực tiếp thay vì qua các công ty trung gian, với vai trò của các Tham tan thương mại ở nước ngoài sẽ có vai trò quan trọng hỗ trợ chúng tôi cập nhật rất rõ xu hướng thị trường, các chương trình Xúc tiến thương mại hoặc thông qua các hội chợ, triển lãm... để giới thiệu sản phẩm và khai phá thị trường xuất khẩu," bà Lưu Kim Anh kiến nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Hiếu, Phó Giám đốc Phòng Kế hoạch tổng hợp, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mitsui Việt Nam cũng đánh giá cao vai trò của các Tham tán trong việc thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang thị trường nước ngoài, qua đó góp phần quan trọng giúp cân bằng cán cân thương mại.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cũng bày tỏ mong muốn các tham tán thương mại sẽ tăng cường vai trò ​hơn nữa trong việc hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam được tăng cả về lượng cũng như giá trị, từ đó có thể quảng bá hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài nhiều hơn.

Ông Hiếu ch​ia sẻ, hiện Công ty Mitsui có văn phòng tại 65 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới và hoạt động chủ yếu vào sự hỗ trợ của các Văn phòng đại diện của Công ty cũng như chi nhánh của Mitsui trong việc kết nối thị trường và khách hàng.

​Theo ​đại diện Mitsui, vai trò của thương vụ và tham tán rất quan trọng bởi doanh nghiệp dù có qui mô rất lớn, nhưng họ cũng không thể nào bao quát, biết tường tận các nhà sản xuất ở thị trường Việt Nam.

Do vậy, việc kết nối được với các nhà sản xuất trong nước nhằm quảng bá giới thiệu được các sản phẩm thông qua các tham tán thương mại của Việt Nam sẽ rất hiệu quả... giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí.

"Ở thị trường Nhật Bản thì doanh nghiệp Việt Nam chưa xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá nhưng ở các thị trường khác nguy cơ này rất lớn, chính vì thế vai trò của tham tán thương mại rất quan trọng trong việc đi sâu sát tìm hiểu thị trường cũng như cung cấp các thông tin về hàng hóa Việt Nam tại thị trường nước sở tại ​cho doanh nghiệp nhằm tránh nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá...," ông Hiếu nêu kiến nghị.

- Số vụ kiện về thương mại liên quan đến hàng hóa của Việt Nam:


Tham tán phải đi sâu, đi sát doanh nghiệp

Thực tế nguy cơ chống bán phá giá và các vụ kiện thương mại trong thời gian qua là rất lớn. Thống kê của Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, tính đến hết năm 2017, Việt Nam đã bị điều tra hơn 120 vụ việc phòng vệ thương mại, gồm 75 vụ chống bán phá giá, 10 vụ chống trợ cấp, 22 vụ tự vệ và 17 vụ chống lẩn tránh thuế.

Các thị trường điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ (23 vụ), Thổ Nhĩ Kỳ (18 vụ), Ấn Độ (15 vụ) và EU (13 vụ), trong đó các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng, từ những mặt hàng có kim ngạch lớn như thủy sản (tôm, cá), sắt thép, cho tới các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trung bình, thậm chí nhỏ như: đinh thép, pin, thước đo...

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Trung ước các Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng doanh nhân nữ Việt Nam, hiện nay, chủ nghĩa dân túy và biệt lập cũng đang phát triển ở một số nước, họ sẽ dựng lên những rào cản kỹ thuật và đây là những khó khăn lớn cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nhân nữ khi tham gia vào thị trường của các nước.

Do vậy, bà Minh kỳ vọng bộ phận thương vụ sẽ phát huy hơn nữa vai trò của mình, chủ động hơn để cung cấp và chia sẻ những thông tin về những rào cản kỹ thuật, về chống bán phá giá và cả những khó khăn khác mà doanh nghiệp Việt Nam chưa lường được, giúp các doanh nghiệp chủ động và có các biện pháp để vượt qua và xuất khẩu thành công.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị Tham tán thương mại diễn ra ngày 7/2, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị các thương vụ phải thực hiện tốt phương châm “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Quyết tâm hành động mạnh mẽ, không thụ động ngồi chờ doanh nghiệp mà phải chủ động làm việc với các đối tác sở tại để có thông tin, can thiệp, hỗ trợ, phục vụ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu hệ thống thương vụ cần tập trung đề xuất giải pháp tận dụng các ưu đãi của Hiệp định thương mại tự do (FTA) để đưa hàng Việt Nam tiếp cận thị trường sở tại cũng như vận động các doanh nghiệp nước sở tại hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam khai thác các cơ hội và cùng phối hợp giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện FTA. Thực hiện cảnh bảo sớm cho doanh nghiệp trong nước những tranh chấp thương mại tiềm ấn để có biện pháp xử lý, hạn chế thấp nhất các tranh chấp thương mại.

"Các đồng chí Thương vụ cần lấy thành công của doanh nghiệp, của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam làm thước đo hiệu quả làm việc của mình", Thủ tướng yêu cầu các tham tán thương mại.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục