Doanh nghiệp mong mỏi được giãn nợ, miễn giảm lãi vay từ ngân hàng

Bên cạnh đề xuất sớm được tiếp cận gói tiêm vaccine ngừa COVID-19, các kiến nghị của doanh nghiệp vẫn tập trung vào vấn đề hỗ trợ giãn nợ, miễn giảm lãi vay thực chất hơn từ phía ngân hàng.
Một doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn cùng với việc thực hiện giãn cách xã hội liên tiếp trong 4 tuần, một số hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi đơn kiến nghị chính quyền thành phố và các bộ, ngành liên quan sớm có biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đề xuất sớm được tiếp cận gói tiêm vaccine ngừa COVID-19, các kiến nghị của doanh nghiệp vẫn tập trung vào vấn đề hỗ trợ giãn nợ, miễn giảm lãi vay thực chất hơn từ phía ngân hàng.

Trong lần bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 này, các doanh nghiệp du lịch tiếp tục là đối tượng chịu ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề nhất.

Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh vốn lao đao chưa thể hồi phục kể từ đầu năm 2020 khi dịch bùng phát, thì nay lại bị tê liệt hoàn toàn.

Mới đây, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị liên quan kiến nghị mở rộng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị thiệt hại do dịch COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, quy định các doanh nghiệp được ngân hàng thương mại xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ thêm 12 tháng. Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp du lịch rất khó khăn trong thanh toán các khoản nợ.

[TP. HCM: Kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp ngay trong thời gian chống dịch]

Một số doanh nghiệp đã phá sản, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không thể trả được nợ, lãi vay, cùng với việc chưa xác định được thời gian đón khách quốc tế trở lại nên khó khăn sẽ còn kéo dài.

“Những  khó  khăn  của  ngành  du  lịch; trong đó, gồm lữ hành, khách sạn, khu du lịch, nhà hàng và chuỗi cung ứng dịch vụ, kéo  theo  những  ảnh  hưởng không nhỏ đến các ngành như: vận tải đường bộ, hàng không, đường sắt, đường thủy và các ngành kinh tế khác. Vì  vậy, việc  tạo  những cơ  chế  đặc thù,  ưu đãi  giúp doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn trước mắt, khôi phục hoạt động  cũng đồng thời tạo động lực vực dậy các ngành, lĩnh vực liên quan,” bà Khánh cho biết.

Do vậy, Hiệp hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, sớm có chính sách đặc thù về thời hạn trả nợ, lãi vay cho lĩnh vực du lịch.

Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội liên tiếp trong 4 tuần. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Cụ thể, giảm mức lãi suất vay đang áp dụng; không áp dụng chuyển nhóm nợ; ân hạn gốc và lãi toàn bộ dư nợ hiện hữu. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ (kể cả trường hợp gia hạn nợ) là 24 tháng, kể từ ngày thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ...

Trước đó, đầu tháng 6/2021, Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản kiến nghị UBND Thành phố Hồ Chí Minh và Ngân hàng Nhà nước xem xét chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét giảm lãi suất và giãn nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã đầu tư phương tiện, nhằm hỗ trợ cho các đơn vị ổn định hoạt động.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, việc giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 đã khiến doanh thu của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe buýt giảm sâu và gặp nhiều khó khăn trong hoạt động.

Nguồn doanh thu của các đơn vị vận tải giảm sút hoặc không có, song các khoản chị phí lớn phải trả như: lãi vay ngân hàng, tiền thuế, tiền thuê mặt bằng, bảo hiểm xã hội cho người lao động, bảo hiểm vật chất, bảo hiểm dân sự cho phương tiện, phí bến bãi, lương cho đội ngũ lái xe, nhân viên... thì gần như là cố định, đến hạn bắt buộc phải thanh toán. Do vậy, hoạt động của các đơn vị vận tải này đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Đối với ngành lương thực, thực phẩm tưởng chừng như ít bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thế nhưng theo ông Nguyễn Đặng Hiến, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp trong ngành cũng đang "đứng trên đống lửa."

Theo ông Hiến, hầu hết các nguyên liệu, phụ gia đầu vào đều tăng giá mạnh, trong khi hầu hết các sản phẩm đầu ra lại nằm trong nhóm bình ổn thị trường nên doanh nghiệp rất khó để tăng giá bán. Lợi nhuận của các doanh nghiệp theo đó cũng sụt giảm ngày càng nghiêm trọng, chưa kể chi phí cho công tác đảm bảo an toàn vệ sinh, phòng dịch tăng lên đáng kể.

Do vậy, đại điện Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm bổ sung các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng hoá thiết yếu vào danh sách các đối tượng được hỗ trợ các chính sách về miễn giảm lãi suất cho vay cũng như đẩy nhanh quá trình và thời gian giải ngân các khoản vay.

Đồng thời, cho phép áp dụng việc điều chỉnh nâng hạn mức định giá tài sản thế chấp từ 70% như hiện nay lên 85% đối với những doanh nghiệp đang làm ăn có uy tín, giúp doanh nghiệp tăng giá trị vốn vay lưu động ngắn hạn, tạo cơ sở để doanh nghiệp ổn định sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Tại buổi đối thoại trực tuyến giữa lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh với cộng đồng doanh nghiệp ngày 11/6, nhiều đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp cũng xoay quanh vấn đề cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất và cho vay mới, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo các doanh nghiệp, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ trước đó dù ban hành rất kịp thời, nhưng thực tế có rất ít doanh nghiệp được thụ hưởng, nhất là gói hỗ trợ miễn, giảm lãi vay và cho vay mới.

Lúc này, các doanh nghiệp đang thật sự rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng, thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để tiếp tục ổn định sản xuất.

Dưới góc độ của ngành ngân hàng, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, việc hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ được đặt lên trọng tâm của ngành ngân hàng thành phố kể từ nay cho đến cuối năm 2021.

Theo ông Minh, cả cơ chế và nguồn lực để ngành ngân hàng hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn hiện đã có sẵn. Đặc biệt, mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 03 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/5/2021 sẽ là cơ sở để các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại nợ, không chuyển nhóm nợ và miễn giảm lãi suất vay đối với các doanh nghiệp khó khăn. Dự kiến, đến cuối năm sẽ có hơn 1 triệu tỷ đồng dư nợ cho vay được hưởng lợi từ chương trình này, tương đương 500.000 khách hàng vay vốn.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung tháo gỡ khó khăn cho từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể phản ánh qua các sở ngành, quận huyện và Hiệp hội doanh nghiệp.

Tính đến ngày 19/5/2021, đơn vị này đã tiếp nhận 780 trường hợp được gửi về từ các sở ngành; trong đó, có 93 trường hợp doanh nghiệp được hỗ trợ giảm lãi từ 0,2-2%/năm; 21 doanh nghiệp được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; 47 trường hợp được cho vay mới; 4 trường hợp được tăng hạn mức tín dụng; 20 khách hàng được hỗ trợ nhiều hình thức (tăng hạn mức, giảm lãi, cơ cấu nợ...)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục