Một trong những vấn đề "nóng" tại Hội nghị đối thoại về Chính sách và Thủ tục hành chính thuế, hải quan năm nay diễn ra vào ngày 22/11 chính là việc vướng mắc trong hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT) cả nghìn tỷ đồng của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp.
Doanh nghiệp "than" khó trong hoàn thuế
Ông Thang Văn Thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Chi hội dăm gỗ Việt Nam cho biết các doanh nghiệp ngành dăm gỗ đang phải đối mặt vấn đề "đau đầu" là không thể thực hiện hoàn thuế VAT do việc thực hiện các quy định giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và các cơ quan quản lý thuế địa phương không rõ ràng và nhất quán. Cụ thể là việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu gỗ đầu vào và xác minh hoạt động xuất khẩu.
Theo tính toán của Chi hội (từ quý 4/2021 cho tới nay) số tiền mà các doanh nghiệp dăm gỗ xuất khẩu chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng đã lên tới trên 1.500 tỷ đồng.
Vì vậy, ngành gỗ kiến nghị các cấp quản lý cần thống nhất các quy định, tránh chống chéo và đảm bảo tính nhất quán đồng thời có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản hợp pháp trong quá trình hoàn thuế giá trị gia tăng. Tổng cục Thuế chỉ cần xem xét xác minh nguồn gốc lâm sản đối với đơn vị đứng sau doanh nghiệp xuất khẩu.
[Bộ Tài chính đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp về thuế và hải quan]
Trong khi đó, ông Phạm Vũ Hà-Tổng thư ký Hiệp hội Sắn Việt Nam, nhấn mạnh nếu không được tháo gỡ vướng mắc trong việc hoàn thuế VAT thì nguy cơ cả ngành sắn sẽ bị "thụt lùi" và đánh mất thị phần xuất khẩu vào tay các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia.
Theo thống kê, sau hơn 15 năm phát triển, cây sắn đã và đang là một trong 13 cây chủ lực của quốc gia đồng thời là một trong 3 mặt hàng nông sản (sau gạo và càphê) có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD và đằng sau cây sắn là 1,2 triệu lao động và hàng 100 doanh nghiệp.
Ngành sắn chủ yếu xuất khẩu Trung Quốc và chiếm tỷ trọng đến 93%, trong đó xuất khẩu theo tiêu ngạch theo đường biên giới chiếm đến 60%. Trong khu vực ASEAN, sản phẩm sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan và Indonesia, trong khi lợi thế của ngành chủ yếu về đường biên giới tiếp giáp và nối dài với Trung Quốc.
“Trong điều kiện nền kinh tế có nhiều thách thức do sự ảnh hưởng của địa chính trị và vốn tín dụng của ngân hàng bị thắt chặt, những khó khăn trong việc hoàn thuế VAT với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng và có thể là cao hơn trong thời gian tới nếu không được tháo gỡ sẽ là rào cản lớn đối với xuất khẩu,” ông Hà nói.
Do đó, Hiệp hội sắn Việt Nam đề xuất Bộ Tài chính có văn bản cụ thể trả lời về các quy định và hướng giải quyết vấn đề này.
Chia sẻ khó khăn, song phải đúng luật
Trước những kiến nghị của hai hiệp hội trên, ông Vũ Chí Hùng-Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục thuế, cho biết nguyên do qua xác minh, cơ quan quản lý nước ngoài cho biết không tồn tại doanh nghiệp nhập khẩu, tức là “bên B” như trong hợp đồng mua bán. Theo quy định của pháp luật, hợp đồng không xác định được “bên B” sẽ không có hiệu lực.
Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Cao Anh Tuấn khẳng định cơ quan quản lý luôn chia sẻ với các doanh nghiệp còn khó khăn, song công tác quản lý cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Hàng hóa nông lâm thủy sản chưa qua chế biến và trực tiếp bán ra thì không chịu thuế giá trị gia tăng (bán ở các khâu chịu thương mại cũng không chịu thuế giá trị gia tăng), đến khi chế biến và bán trong nước sẽ căn cứ từng mức độ chế biến để đánh thuế. Mặt khác, hàng hóa này xuất khẩu qua cửa khẩu hải quan không phải chịu thuế và nếu đủ điều kiện sẽ áp dụng thuế suất 0% đồng thời bồi hoàn hoàn giá trị đã nộp thuế ở khâu chế biến.
Trên cơ sở đó, bột sắn đã qua chế biến – cơ quan thuế qua tìm hiểu nhận thấy các doanh nghiệp rất ít chế biến, chủ yếu thu mua lại qua rất nhiều khâu, cho nên việc xác minh nguồn gốc trong quá trình hoàn thuế rất khó khăn. Hơn nữa, về xuất khẩu thì phía nước ngoài cũng đã cho biết các đối tác của doanh nghiệp là không tồn tại.
“Chúng tôi rất chia sẻ với một số doanh nghiệp còn khó khăn song vẫn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Quy định quản lý thuế rất rõ: Một là hoàn trước và kiểm sau, hai là kiểm trước và hoàn sau. Khi đã phát hiện rủi ro thì tự động sẽ chuyển sang mục kiểm trước hoàn sau. Do đó, doanh nghiệp không thể nói là cứ làm đi rồi chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm, bởi nếu làm sai thì cơ quan thuế sẽ phải chịu trách nhiệm trước. Cơ quan thuế được giao nhiệm vụ thực hiện giám sát, bên cạnh việc tuân thủ quy định đồng thời phải tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, do vậy việc giám sát thêm là nhằm tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp làm tốt và doanh nghiệp làm không tốt,” ông Tuấn khẳng định.
Bên cạnh vấn đề hoàn thuế VAT, đại diện Bộ Tài chính và các cơ quan thực thi chính sách cũng đã thẳng thắn đối thoại và chia sẻ những thắc mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc thành lập quỹ để đầu tư hoạt động khoa học công nghệ, quy trình xin miễn giảm thuế với doanh nghiệp bị hỏa hoạn, thuế đất phi nông nghiệp do người cho thuê nộp hay người thuê nộp, biện pháp hậu kiểm với doanh nghiệp nhập khẩu hàng miễn thuế song sử dụng không đúng mục đích và vấn đề liên quan đến hóa đơn điện tử./.