Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN

Nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ sản phẩm, phong cách phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ trong ASEAN ngay trên sân nhà.
Doanh nghiệp lữ hành Việt Nam chủ động hội nhập Cộng đồng ASEAN ảnh 1Cộng đồng ASEAN mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp lữ hành VIệt Nam (Ảnh: Việt Hải-Lê Hải/Vietnam+)

Với việc Cộng đồng ASEAN sẽ được thành lập vào cuối năm nay, đa phần các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã chuẩn bị cho mình một hành trang cần thiết để sẵn sàng phát huy lợi thế sẵn có cũng như đối mặt thách thức trong một môi trường cạnh tranh gay gắt hơn song không phải không có cơ hội để hợp tác phát triển.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Singapore bên lề hội chợ du lịch quốc tế ITB Asia - hội chợ hàng đầu chuyên ngành du lịch cho thị trường châu Á, ông Peter Phạm, Giám đốc Golden Tour cho biết các doanh nghiệp du lịch đón nhận rất tích cực thông tin Cộng đồng ASEAN sắp được thành lập. Bởi theo ông, lúc đó lượng du khách đến khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam, sẽ đông đảo, bao gồm cả lượng khách du lịch cũng như khách du lịch công vụ. Đấy chính là mảng mà thị trường Việt Nam đang hướng tới.

Ông Phạm Hà, Giám đốc điều hành Luxury Travel cũng cùng chung nhận định. Theo ông, doanh nghiệp lữ hành lúc đó cũng sẽ có nhiều lựa chọn hơn về nguồn nhân lực, với nguồn nhân lực chất lượng cao từ Singapore hay Philippines, có thể đến Việt Nam làm việc. Đây là cơ hội có thể thúc đẩy chất lượng dịch vụ tốt hơn ở trong nước đồng thời nâng cao hình ảnh của Việt Nam trong khu vực.

Bên cạnh triển vọng, Cộng đồng ASEAN không phải không có thách thức cho các doanh nghiệp lữ hành trong nước. Theo đó, với việc gia nhập cộng đồng ASEAN, cấp độ cạnh tranh trong thị trường du lịch sẽ cao hơn rất nhiều, không chỉ công ty Việt Nam làm được ở thị trường ASEAN mà công ty du lịch trong các nước ASEAN đều có thể vươn tới Việt Nam và làm trọn gói, đặc biệt là những trung tâm trung chuyển khách chính về Việt Nam như Thái Lan hay Singapore. Như thế, nếu không có sự thay đổi mạnh mẽ sản phẩm, phong cách phục vụ cũng như chất lượng dịch vụ, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các đối thủ trong ASEAN ngay trên sân nhà.

Trước những khó khăn, một số doanh nghiệp đã chủ động tìm một số hướng đi. Chẳng hạn như Golden Tour. Bên cạnh việc nâng cấp sản phẩm của mình lên tiêu chuẩn quốc tế, công ty cũng đồng thời liên kết với các đối tác trong khu vực, đặc biệt từ Singapore, Thái Lan và Malaysia, cũng như các nước khu vực Đông Dương để liên kết thành lập môt tour trọn gói, đưa ra một sản phẩm chung, thay vì sản phẩm cạnh tranh nhau. Như thế, công ty cũng có thể lấy được cả khách hàng từ các công ty du lịch đại diện cho các nước đó.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho biết Tổng cục Du lịch cùng các doanh nghiệp du lịch Việt Nam tham dự hội chợ ITB Asia nhằm giới thiệu về chính sách du lịch mới nhất của Việt Nam, giới thiệu những sản phẩm nổi trội nhằm thu hút du khách đến với Việt Nam với bốn dòng sản phẩm chính là du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái và du lịch tham quan thành phố đặc sắc. Đây là một phần trong loạt chiến dịch tăng cường quảng bá về du lịch Việt Nam của Tổng cục Du lịch trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành trong nước.

Bên lề Hội chợ ITB Asia, diễn ra tại Singapore từ ngày 21-23/10, Tổng cục Du lịch Việt Nam cũng đã tổ chức họp báo giới thiệu những chính sách thúc đẩy du lịch mới nhất do Chính phủ ban hành, trong đó có chính sách đơn phương miễn thị thực cho một số quốc gia; chính sách tăng cường kết nối hàng không đến các thị trường nguồn và chính sách xây dựng, nâng cấp sản phẩm mới và quảng bá du lịch Việt Nam với du khách quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục