Trong tuần qua, cả nước đã đạt được một số kết quả tích cực trong nỗ lực kiềm chế và kiểm soát dịch bệnh COVID-19 với số ca nhiễm mới tăng chậm, tỷ lệ được điều trị, khỏi bệnh cao và rất nhiều trường hợp đã được cách ly y tế tốt.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đã đến thời điểm có thể khôi phục dần dần các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để duy trì sự vận hành của kinh tế. Tuy nhiên, vẫn phải tránh việc tụ tập đông người chưa thật sự cần thiết vào lúc này; tiếp tục hạn chế nhập cảnh, đóng đường mòn, lối mở...
Thực hiện các giải pháp kinh doanh phi truyền thống như thương mại điện tử, mua bán và thanh toán trực tuyến... là hình thức kinh doanh an toàn lại tuân thủ các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh COVID-19, rất đáng được khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
[Dịch COVID-19: Thời cơ để thanh lọc, tái cấu trúc doanh nghiệp]
Từ thực tiễn cho thấy, do nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19 có thể rất khác nhau giữa các ngành, các địa phương và loại hình hoạt động kinh tế nên các ngành, lĩnh vực, các hiệp hội, tổ chức hay doanh nghiệp phải chủ động xây dựng kế hoạch và kịch bản ứng phó tùy vào điều kiện và nhu cầu của từng đơn vị.
Trước tình hình này, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI đề xuất, giải pháp linh hoạt và phù hợp nhất là cần xây dựng Bộ chỉ số rủi ro lây nhiễm để có thể phân loại và áp dụng các kịch bản ứng xử cho phù hợp. Ví dụ, nơi nào, ngành nào, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào có nguy cơ lây nhiễm cao (ví dụ trên 80%) thì kiên quyết buộc phải ngưng hoạt động.
Song song đó, khu vực nào, doanh nghiệp nào chịu nguy cơ lây nhiễm thấp hơn, tùy từng cấp độ mà cho phép tiếp tục sản xuất kinh doanh hay không. Mặc dù vậy, vẫn phải tuân thủ việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa và kiểm soát rủi ro theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
VCCI kiến nghị Bộ Y tế chuẩn bị các phương án này để hướng dẫn các địa phương và doanh nghiệp triển khai thực hiện sao cho thuận lợi và thống nhất./.