Doanh nghiệp lao đao vì hàng nhái 'đánh' tận vào hệ thống phân phối

Nhãn hiệu sản phẩm của một doanh nghiệp được cấp Sở hữu trí tuệ từ năm 2009 nhưng bất ngờ sau gần 10 năm kinh doanh thì trên thị trường có bao bì y chang thâm nhập vào hệ thống đại lý.
Dây chuyền sản xuất sản phẩm khăn ăn và giấy vệ sinh của Công ty Tiến Hiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đang là vấn nạn thách thức đối với xã hội, thực tế cho thấy, không chỉ quyền lợi của người tiêu dùng bị xâm phạm mà bản thân các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Qua nhiều vụ việc được các cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đã len lỏi khắp nơi, từ các quầy hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa thậm chí trà trộn vào cả những hội chợ triển lãm để đánh lừa người tiêu dùng.

"Ngã ngửa" khi nhãn hiệu được cấp bảo hộ cho người khác

Một trong số những doanh nghiệp đã từng gánh chịu hậu quả nặng nề từ nạn hàng giả hàng nhái là bánh Pía Sầu Riêng của một doanh nghiệp có trụ sở tại Sóc Trăng, Công ty của ông đã phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí để bảo vệ được thương hiệu.

[Vụ Bamboo Airways: Doanh nghiệp làm gì để bảo vệ tên miền?]

Nguyên nhân là sản phẩm của Công ty đã bị một số doanh nghiệp nhái lại mẫu mã và bao bì rồi tung ra thị trường, ảnh hưởng đến khách hàng và cả uy tín của doanh nghiệp.

Một vụ việc gần đây nhất, theo đơn kiến nghị của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Hiếu (trụ sở tại số 9 Cầu Gỗ, quận Hoàn Kiếm Hà Nội) gửi các cơ quan chức năng, sản phẩm khăn ăn và giấy vệ sinh của Công ty đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ nhãn hiệu Sở hữu trí tuệ từ năm 2009 nhưng lại bị một doanh nghiệp khác có dấu hiệu xâm phạm Sở hữu trí tuệ một cách nghiêm trọng

Vụ việc chỉ được phát hiện khi Công ty Tiến Hiếu kiểm tra nguyên nhân khiến 2 tháng gần đây (từ tháng 7/2018) sản lượng bán hàng sụt giảm đáng kể và xác định được có một lượng lớn sản phẩm có bao bì y chang giấy Tiến Hiếu thâm nhập vào hệ thống bán hàng của Công ty tại các huyện ngoại thành Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

Bà Đinh Thị Kim Định, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tiến Hiếu cho biết, nhãn hiệu sản phẩm của cơ sở sản xuất của doanh nghiệp kia chỉ khác Tiến Hiếu một số điểm rất nhỏ mà phải tinh ý mới phát hiện được. Đơn cử với sản phẩm của Tiến Hiếu dưới logo chỉ có tên công ty.

[‘Hàng nhái làm mất 2 ngày, đăng ký bảo hộ kiểu dáng chờ 1 năm’]

Một điểm khác nữa là trên bao bì của cơ sở sản xuất kia có số bằng khẳng định được bảo hộ và tem chống hàng giả còn bao bì của Tiến Hiếu suốt 10 năm có mặt trên thị trường không cần tới.

Khi phát hiện ra sự việc như vậy, bà Định cho biết, Công ty Tiến Hiếu đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng để sớm vào cuộc nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như ngăn chặn những hành vi kinh doanh bất chính.

Logo sản phẩm Giấy vệ sinh của Tiến Hiếu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lách luật để vi phạm?

Đánh giá của Bộ Công Thương cũng cho thấy, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh phi pháp ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, thậm chí có sự cấu kết giữa các đối tượng trong và ngoài nước để sản xuất hàng giả gây thiệt hại cho sản xuất trong nước.

Ông Trịnh Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nêu một thực tế, đối với hàng hoá đòi hỏi sử dụng công nghệ cao, khó gia công thường được các đối tượng đặt sản xuất, gia công ở nước ngoài sau đó chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Trở lại câu chuyện của Công ty Tiến Hiếu, luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Văn phòng luật sư Thiên Thanh cho rằng, Luật Sở hữu trí tuệ quy định, khi đã có một đơn vị nộp đơn trước thì doanh nghiệp sau sẽ không được quyền nộp đơn đăng ký theo hình thức tương tự và nếu có nộp đơn, phía Cục Sở hữu trí tuệ sẽ có trách nhiệm tra soát cũng như căn cứ vào ngày nộp đơn để cấp văn bằng bảo hộ cho những doanh nghiệp nộp đơn trước.

Qua vụ việc trên, theo ông Truyền đã có sự lách luật hay còn gọi là cố ý vi phạm. Dẫn chứng các quy định từ luật sở hữu trí tuệ, vị luật sư này khẳng định, rõ ràng người đăng ký sau đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng, bởi tất cả hình ảnh, cách bố trí như thiết kế sau này đã làm cho người tiêu dùng bị ngộ nhận sản phẩm này đã được đăng ký từ trước đó.

"Tất nhiên trong việc xác định có xâm phạm hay không và việc cấp văn bằng có đúng hay không về cơ bản bên Cục Sở hữu trí tuệ cũng không kiểm soát hết được trong câu chuyện một bên đăng ký bảo hộ nhãn mác và một bên đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhưng đang có sự phối hợp không đồng nhất mới để xảy ra tình trạng như này và chủ thể bị xâm phạm có quyền làm đơn đề nghị hủy văn bẳng đã cấp về Sở hữu công nghiệp cho sản phẩm đăng ký sau," luật sư Truyền nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục