Doanh nghiệp kiến nghị cân bằng kiểm soát dịch bệnh và sản xuất

Các doanh nghiệp kiến nghị phải có kịch bản để sống chung dài hạn với COVID-19 đồng thời cân bằng việc kiểm soát dịch bệnh và sản xuất, bởi nếu đứt gãy chuỗi sản xuất sẽ là gãy hẳn.
Công nhân tại Khu công nghiệp Vân Trung ở Bắc Giang. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phố đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Tình hình này đã ảnh hưởng đến mọi mặt trong đời sống kinh tế-xã hội trong tháng Bảy cũng như chặng đường bảy tháng của năm.

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng Bảy chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã giảm 19,8%, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước giảm 12,4%.

Nguy cơ hiện hữu

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, trước nguy cơ đình trệ sản xuất và suy thoái kinh tế thế giới, tình  trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và tình trạng đình trệ sản xuất, suy thoái toàn cầu vẫn chưa thể khắc phục ngay trong ngắn hạn và dự báo sẽ ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp trong nước. Thêm vào đó, làn sóng người lao động di chuyển khỏi các tỉnh, thành phố lớn do diễn biến của dịch COVID-19 sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động, đặc biệt lao động có kỹ năng khiến cho doanh nghiệp rất khó có thể phục hồi ngay năng lực sản xuất ngay khi hết thời gian giãn cách, tình hình dịch bệnh thuyên giảm.

[Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 8 nhóm giải pháp phục hồi thị trường sau dịch]

Trên bình diện quốc tế, các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu phụ thuộc vào một thị trường, dẫn đến xu hướng các doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn (FDI) sẽ thực hiện cấu trúc lại hệ thống cung cấp nguyên vật liệu đồng thời lựa chọn địa điểm đầu tư mới thỏa mãn những điều kiện hiệu quả, an toàn và bền vững.

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê chỉ ra tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam trong bảy tháng là 16,7 tỷ USD và giảm 11,1% so với cùng kỳ.

Trong nước, số doanh nghiệp thành lập mới trong bảy tháng là 75.800 đơn vị, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2020 và đây là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020 (trung bình là 8,1%). Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 79.700 doanh nghiệp (cao hơn so với thành lập mới) và tăng 25,5% so với cùng kỳ.

Áp lực từ đình trệ sản xuất

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết các doanh nghiệp trong ngành đã nhận đơn hàng đến hết quý 1/2022 song giờ này vẫn chưa có kịch bản cụ thể để chủ động đối phó với dịch bệnh.

Theo ông, trong bảy tháng của năm, toàn ngành đã xuất khẩu xấp xỉ 22,9 tỷ USD, tăng 50,22% so với cùng kỳ và xếp vị trí thứ hai (sau Trung Quốc). Tuy nhiên sang đến tháng Tám, ngành dệt may Việt Nam bắt đầu đối mặt với nhiều khó khăn phức tạp. Cụ thể, việc thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg đã tạo áp lực lớn lên cộng đồng doanh nghiệp và làm cho tê liệt hệ thống sản xuất tại tỉnh phía Nam.

“Nhiều địa phương không linh hoạt, cứng nhắc khi áp dụng, kể cả những doanh nghiệp chưa có công nhân bị nhiễm dịch (F0) vẫn bị đóng cửa. Do đó, cần có sự thống nhất trong nền tảng sản xuất công nghiệp cả nước, từ việc kiểm soát đi lại của doanh nghiệp (như bộ phận phát triển mẫu, bộ phận cung ứng không được đi làm nên không thể thông tin kịp thời đến khách hàng, khiến cho sản xuất đình trệ),  hay việc chở hàng hóa giữa các nhà máy (không được thực hiện do không phải là hàng hóa thiết yếu)… khiến sản xuất bị đứt gãy phần cung,” ông Giang dẫn chứng.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cát Lái. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Sau một tháng, các doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ,” bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực-Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA) thừa nhận giải pháp này không còn phù hợp mà cần phải có một kịch bản đối phó khác nếu dịch bệnh tiếp diễn trong 2-3 tháng nữa.

Bà Chi quan ngại việc hoạt động sản xuất lương thực-thực phẩm bị đình trệ sẽ làm đứt gãy chuỗi cung ứng cho toàn thành phố. Về tâm lý, bà cũng chia sẻ người lao động bắt đầu ngao ngán, không yên tâm với sản xuất “3 tại chỗ.” Mặt khác, doanh nghiệp phải tăng chi phí (ăn, ở, thêm lương cho nhân viên).

“Chưa hết, Chỉ thị của Thành phố quy định chỉ có 7 nhóm đối tượng ưu tiên được ra đường. Giao thông từ các tỉnh xung quanh Thành phố và phía Bắc bị ngưng trệ khiến nguồn nguyên liệu đứt gãy trầm trọng. Doanh nghiệp phát sinh chi phí cao song vẫn giữ giá để ổn định thị trường (dẫn đến hòa vốn hoặc lỗ vốn), thêm vào đó vẫn phải trả lãi ngân hàng…, họ trở nên vô cùng lúng túng trước những giải pháp xử lý,” bà Chi trao đổi.

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) cho rằng giải pháp “3 tại chỗ”  hay “1 cung đường 2 điểm đến” không bền vững trong thời gian dài khi đứng trên quan điểm bảo vệ sức khỏe cho người lao động.

Đại diện của AmCham cũng chia sẻ thời gian qua các doanh nghiệp trong hiệp hội đều cố gắng duy trì sản xuất “3 tại chỗ,” tuy nhiên họ gặp nhiều khó khăn và một số buộc phải đóng cửa. Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới sẽ cần phải thay đổi chiến lược để dành được thế chủ động trong việc chống dịch.

"Phủ" đủ vaccine cho người lao động

Bà Mary Tarnowka đề xuất các cấp quản lý cần nghiên cứu nới lỏng mô hình sản xuất “3 tại chỗ,” như cho phép doanh nghiệp đưa đón nhân viên, công nhân về nhà và chịu trách nhiệm đảm bảo quy trình sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp mua những bộ test COVID-19 nhanh, cải thiện công tác quản lý người lao động (các F…) sau khi xác nhận có ca dương tính và khi âm tính phải nhanh chóng giải phóng.

Đặc biệt, bà Mary Tarnowka cho rằng việc tắc nghẽn trong vận tải, giao thông là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp (khi các cảng và dây chuyền, kho lạnh đóng cửa) và vaccine chưa đủ cung cấp cho khu vực sản xuất.

“Lộ trình phục hồi kinh tế của Chính phủ cần được rõ ràng, bên cạnh đó các thủ tục giấy tờ nên được sắp xếp hợp lý trong việc phê duyệt đi lại của chuyên gia nước ngoài,” bà Mary nói.

Đại diện cho doanh nghiệp dệt may, ông Giang đề xuất các cấp chức năng nên có những hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 từ Chính Phủ và nên giao trách nhiệm quản lý 5K cho doanh nghiệp để có thể tiếp tục sản xuất ở những vùng không có F0.

Công nhân ngồi giãn cách chờ tiêm vaccine. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)

“Hiệp hội cũng mong muốn các cấp có quan điểm thống nhất về vaccine cho doanh nghiệp dệt may. Hiện nay, số người được tiêm phòng vaccine chưa tới 1% tổng lao động trong ngành ngành. Một thực tế khác, hàng loạt lao động đang quay trở lại địa phương sinh sống dẫn tới việc tái khởi động sản xuất trong doanh nghiệp là một thách thức cực kỳ lớn, dự báo chỉ đạt hiệu quả 50%-60% khi chuỗi sản xuất hoạt động trở lại,” ông Giang nói.

Đồng tình với những kiến nghị trên, bà Chi nhấn mạnh rất cần thiết “phủ đủ” vaccine cho người lao động đồng thời các cấp quản lý không can thiệp quá sâu vào quy trình sản xuất “3 tại chỗ” của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, tự phòng-chống dịch theo hướng dẫn của Nhà nước,” bà Chi khẳng định.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị Chính phủ về biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đại dịch COVID-19, đặc biệt là chính sách tài khóa, tiền tệ. Bên cạnh đó, việc cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư công là những giải pháp toàn diện để hỗ trợ cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

“Không đối lập hai mục tiêu kinh tế-xã hội, phải kết hợp 2 mục tiêu này, chúng ta không bỏ rơi kinh tế mà cần duy trì được sản xuất kinh doanh. VCCI cũng cam kết hàng tháng tháng sẽ thu thập ý kiến của hiệp hội doanh nghiệp và gửi báo cáo lên Chính Phủ kịp thời,” ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng doanh nghiệp cần đóng vai trò kép trong việc vừa phòng dịch-vừa sản xuất.

Theo ông, doanh nghiệp không nên áp dụng cứng nhắc các mô hình. Bên cạnh đó, các cấp quản lý cần phát huy những sáng kiến của doanh nghiệp nếu họ đảm bảo được an toàn, từ đó tăng tính chủ động của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cho rằng nên thay đổi và bỏ khái niệm hàng hóa thiết yếu, thay vào đó hàng hóa phải được lưu thông, nếu đảm bảo an toàn dịch bệnh thì hàng hóa nào cũng có thể lưu thông vì khái niệm thiết yếu rất cảm tính (thiết yếu cho sản xuất, cho cá nhân khác nhau).

“Cần ưu tiên vaccine cho khu vực sản xuất kinh doanh, cho phép doanh nghiệp có thể chủ động, thực hiện phòng dịch. Tôi cho rằng không phải tạm đứt gãy chuỗi sản xuất, mà khi đã gãy là gãy hẳn, do đó cần phải làm rõ thông điệp: Cân bằng giữa kiểm soát dịch bệnh và sản xuất. Ngoài ra, Chính phủ cần có kịch bản để sống chung dài hạn với dịch, trong đó có tính đến khả năng chịu đựng của doanh nghiệp,” ông Hiếu đề xuất./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục