Doanh nghiệp hướng đến cách tiếp cận AI thận trọng hơn

Đường hầm Channel, một trong những đường hầm đông đúc nhất thế giới, là một ví dụ điển hình về ứng dụng thực tiễn cũng như hạn chế của Trí tuệ Nhân tạo.
Đường hầm Channel. (Nguồn: AFP)

Sau sự xuất hiện đầy ấn tượng của ChatGPT cách đây hai năm, các công ty rất hào hứng với những tiềm năng mà trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh mang lại.

Tuy nhiên, khi chuẩn bước sang năm 2025, doanh nghiệp lại có xu hướng tiếp cận thận trọng hơn thay vì vội vã chuyển đổi toàn bộ hoạt động.

Đường hầm Channel, một trong những đường hầm đông đúc nhất thế giới, là một ví dụ điển hình về ứng dụng thực tiễn cũng như hạn chế của AI. Mỗi ngày, có 400 trong số các đoàn tàu lớn nhất thế giới vượt qua đường hầm nối liền Pháp và Anh này.

Mỗi năm, có gần 11 triệu hành khách di chuyển bằng đường sắt và 2 triệu ôtô đi qua đây. Với GetLink, công ty quản lý các đoàn tàu dài 800 mét và chịu trách nhiệm vận hành đường hầm, việc triển khai AI một cách thận trọng là điều tối quan trọng.

Thay vì kiểm soát hoạt động vận hành tàu, hệ thống AI của họ chủ yếu xử lý các nhiệm vụ thông thường như rà soát quy định và luật lệ.

Lĩnh vực pháp lý cũng chứng kiến xu hướng tương tự. Mặc dù AI xuất sắc trong các nhiệm vụ cơ bản như tìm kiếm cơ sở dữ liệu pháp lý và tạo ra các bản tóm tắt đơn giản, những công việc phức tạp hơn vẫn cần sự giám sát chặt chẽ của con người.

Ông James Sutton, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của Avantia Law giải thích rằng sự không đồng nhất của AI vẫn là một thách thức. AI có thể xử lý hoàn hảo một hợp đồng, nhưng trong trường hợp khác, hợp đồng chỉ đạt 40% độ chính xác, khiến luật sư vẫn phải kiểm tra lại mọi thứ.

Trong khi đó, ngành công nghệ ghi nhận xu hướng ứng dụng AI mạnh mẽ hơn. Google nêu rõ khoảng 25% công việc lập trình của họ do AI tạo sinh thực hiện.

Ông Kirill Skrygan, Giám đốc điều hành (CEO) của JetBrains dự đoán rằng vào năm sau, AI sẽ đảm nhận khoảng 75-80% các nhiệm vụ lập trình. Ông cho hay các lập trình viên đang sử dụng AI như trợ lý để tạo mã và con số này đang tăng lên mỗi ngày.

Cấp độ tiếp theo là AI có thể giải quyết toàn bộ nhiệm vụ thường được giao cho lập trình viên. Theo thời gian, AI có thể thay thế hầu hết các lập trình viên trên thế giới.

Các ngành thiết kế hình ảnh, đặc biệt là thời trang, đang chứng kiến tác động lớn từ các công cụ tạo hình ảnh AI như DALL-E, Midjourney và Stable Diffusion. Những công cụ này đã thay đổi thói quen làm việc và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm mới ra thị trường.

Trong lĩnh vực y tế, dù một nghiên cứu chỉ ra tiềm năng của AI, như việc ChatGPT vượt qua bác sỹ trong chẩn đoán dựa trên hồ sơ bệnh án, các bác sĩ vẫn dè dặt khi hoàn toàn áp dụng công nghệ này.

Với những tiềm năng và rủi ro từ AI, các công ty phải cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc đổi mới, thận trọng và những chi phí sẵn sàng bỏ ra. Phó Chủ tịch nghiên cứu công nghiệp tại CompTIA, Seth Robinson nhận định sẽ cần một thời gian để thị trường cân đối lại tất cả chi phí và lợi ích này, đặc biệt trong bối cảnh các công ty đang chần chừ đầu tư vào công nghệ.

CEO của Instabase, Anant Bhardwaj tin rằng các hạn chế của AI chỉ là tạm thời. Trong khi AI đảm nhiệm tốt việc xử lý các mô hình hiện có và dữ liệu, thì công nghệ này lại chưa đủ sức khám phá những lĩnh vực mới thực sự.

Tuy nhiên, ông dự đoán rằng trong thập kỷ tới, hầu hết các ngành sẽ có một số dạng hoạt động dựa trên AI, với con người đóng vai trò hỗ trợ, nhưng triển vọng AI tự động hóa hoàn toàn vẫn còn xa.

Dù vậy, tình trạng gián đoạn do AI đang diễn ra nhanh chóng và các quốc gia cần sẵn sàng thích ứng. Giáo sư Susan Athey của Đại học Stanford khẳng định AI đang ảnh hưởng lớn đến quy trình xử lý các công việc văn phòng và tổng đài.

Bà Athey, một nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu lĩnh vực công nghệ, bày tỏ lo ngại về khả năng AI sẽ thay thế hoàn toàn các nhân viên tổng đài trong tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục