Doanh nghiệp game 'than khó' trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

Các doanh nghiệp game Việt cho rằng ngành trò chơi điện tử nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí như phim ảnh, ca nhạc...
Doanh nghiệp game 'than khó' trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: shutterstock.com)

Tại Hội thảo góp ý đề nghị xây dựng Dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được tổ chức ngày 5/7, các doanh nghiệp game cho rằng nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà.

Doanh nghiệp sợ 'thua trên sân nhà'

Trên thực tế tại Việt Nam, kinh doanh trò chơi điện tử trực tuyến là ngành kinh doanh có điều kiện. Tất cả các game muốn kinh doanh đều phải được thẩm định nội dung bởi cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành.

Theo đại diện các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trò chơi trực tuyến ở Việt Nam họ đang thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước song phải cạnh tranh với những doanh nghiệp nước ngoài không phải thực hiện bất cứ nghĩa vụ nào. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc chỉ còn khoảng 15% số doanh nghiệp game Việt Nam đã đăng ký còn hoạt động. 85% đã ngừng hoặc chuyển hoạt động ra nước ngoài để được hưởng các cơ chế ưu đãi toàn diện từ thủ tục, hạ tầng cho đến thuế suất.

[Bộ TTTT: Game là ngành công nghiệp có tiềm năng phát triển tốt]

Ông Trần Phương Huy - Giám đốc VTC Intecom cho rằng nếu áp thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp như VTC sẽ "chết" trên sân nhà.

"Mục tiêu của áp thuế tiêu thụ đặc biệt là nhằm điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, tăng thu ngân sách Nhà nước, nhưng nếu áp dụng thuế này với ngành game lại hoàn toàn khác. Theo số liệu của Liên minh các Nhà sản xuất và phát hành Game Việt Nam, cứ 100 người tham gia game online thì chỉ có dưới 10 người trả tiền (con số chính xác là 5,8 người), có tới 90% người chơi không trả tiền. Điều này đồng nghĩa việc điều chỉnh hành vi người thu thuế là điều chỉnh hành vi của 5,8 người một con số rất nhỏ," ông Huy chia sẻ.

Doanh nghiệp game 'than khó' trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh 2Bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bà Nguyễn Thùy Dung - Giám đốc SohaGame nhấn mạnh việc ủng hộ mục tiêu của Bộ Tài chính trong việc bảo vệ sức khỏe trẻ em, định hướng người tiêu dùng. Tuy nhiên, bà cho rằng dù mục tiêu là đúng đắn nhưng giải pháp không hề giải quyết được mục tiêu mong muốn.

Dẫn một thống kê của Apple Store và Google Play, bà Dung cho hay chỉ có 2,4% người chơi trả phí trong tổng số người chơi game tại thị trường Việt Nam đối với hệ điều hành iOS và chỉ 1,7% người chơi trả phí đối với hệ điều hành Android. Nghĩa là chưa đến 2% số người chơi game tại thị trường Việt Nam có trả phí trong game.

"Như vậy, đối tượng tác động được vào chỉ chiếm dưới 2% tổng số lượng người chơi mà chúng ta muốn kiểm soát thông qua việc áp thuế. Ngoài ra, trong tổng số 100 ngàn game phát hành tại Việt Nam hiện nay, hàng năm chỉ cấp phép dưới 500 game, tức là chưa đến 1% game người chơi Việt Nam có thể tiếp cận là game được quản lý. Như vậy, chỉ có 2% người chơi trong 1% game trên các chợ trực tuyến sẽ chịu tác động bởi thuế tiêu thụ đặc biệt," bà Dung nói.

Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến của VNGGames cho biết nếu chồng thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất hoàn toàn khả năng cạnh tranh trên chính sân nhà. Thị phần sẽ thuộc về các sản phẩm lậu, không phép và dẫn đến công tác quản lý về nội dung, văn hoá, tài chính... sẽ trở nên rất nặng nề.

Doanh nghiệp game 'than khó' trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh 3Ông Lã Xuân Thắng - Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNGGames. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Mong được "đối xử" như ngành công nghiệp giải trí

Theo ông Lã Xuân Thắng, bản chất của trò chơi điện tử trực tuyến nói chung là sáng tạo nội dung trên môi trường Internet để phục vụ cho nhu cầu giải trí của mọi người trong xã hội, vì thế nên được đối xử bình đẳng như những phần khác của ngành công nghiệp giải trí, giống như phim ảnh, ca nhạc...

Ông Lã Xuân Thắng nêu ví dụ ở các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Pháp, Tây Ba Nha và nhiều nước khác, trò chơi trực tuyến không chỉ được thừa nhận như là một ngành kinh tế quan trọng, mà còn được xác định là mũi nhọn để xuất khẩu văn hoá ra thế giới. Vì vậy, những quốc gia này có rất nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp trò chơi trực tuyến.

[Tháo 'điểm nghẽn' để ngành game tại Việt Nam phát triển]

Gần đây, một số quốc gia khác như Singapore, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất UAE, Jordan,... cũng đã có nhiều sáng kiến, nhiều chính sách thu hút các tập đoàn, các công ty game đến đặt trụ sở và hoạt động. Họ không muốn chậm chân trong ngành công nghiệp được dự đoán sẽ sớm chạm mốc doanh thu 200 tỷ USD này.

"Theo quan điểm cá nhân của tôi cái gì cũng có tính hai mặt. Ngay cả phim ảnh, ca nhạc, hay rộng hơn là Internet cũng vậy, sử dụng quá nhiều cũng không tốt, cũng có những nội dung không tốt xen lẫn với các nội dung sáng tạo, tích cực, lành mạnh... Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực và hợp xu hướng hơn, ngành game là một ngành công nghiệp trí tuệ, có sức sáng tạo cao, là nơi áp dụng những công nghệ mới nhất, tiên tiên nhất trước khi đưa vào cuộc sống, là nơi giúp đỡ con người giải toả stress, là thể thao điện tử - bộ môn đã được Uỷ ban Olympic công nhận," ông Thắng chia sẻ.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, đại diện Liên minh các Nhà sản xuất và phát hành Game Việt Nam cho biết ngành game có nhiều tiềm năng, được rất nhiều quốc gia trên thế giới coi là một trong những trụ cột của kinh tế số, vì những lợi ích mà nó mang lại, không chỉ là về doanh thu, lợi nhuận, mà còn trực tiếp tác động đến doanh thu của các ngành khác. 

Doanh nghiệp game 'than khó' trước dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt ảnh 4Ông Nguyễn Trọng Nghĩa đại diện Liên minh các Nhà sản xuất và phát hành Game Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ông Nghĩa cho rằng thị trường game ở Việt Nam tuy đang phát triển, nhưng doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài và cạnh tranh với cả chính sách hỗ trợ của các quốc gia trong khu vực. "Do đó, Liên minh kiến nghị trò chơi trực tuyến sẽ không bị đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt."

Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Việt Long, đại diện Bộ Lao động Thương binh xã hội, cho rằng sở cứ mà Bộ Tài chính đưa ra chưa đủ thuyết phục về ảnh hưởng xã hội của game để áp thuế tiêu thụ đặc biệt. Công nghiệp game đang tạo ra nhiều việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế số. Do đó, vị này cũng kiến nghị Bộ Tài chính xem xét lại việc áp thuế với game trực tuyến./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục