Khảo sát các dự án của các nhà đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam dưới hình thức Hợp đồng thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng (EPC) trong ngành điện than, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng Trung tâm Doanh nghiệp Tư nhân quốc tế (CIPE - Hoa Kỳ) thực hiện đã cho thấy một số tình trạng chậm tiến độ, vấn đề về kỹ thuật và tác động ảnh hưởng môi trường.
19/30 nhà máy đang vận hành bị phản ánh về môi trường
Ông Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR cho biết, trong số 30 nhà máy đang hoạt động có vốn đầu tư của Trung Quốc ở lĩnh vực điện than có đến 19 nhà máy vi phạm các vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Cụ thể, ông Thành dẫn chứng, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 xây dựng gần khu dân cư khiến khí thải từ ống khói trực tiếp xả ra môi trường đã gây ra nhiều tác động ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân. Chưa hết, Nhà máy còn vi phạm hàng loạt quy định khác như không thực hiện biện pháp che phủ bụi than đúng tiêu chuẩn, vận chuyển chất thải không đúng quy trình và thiếu bạt che, xả thải trái phép, vận hành hệ thống xử lý nước thải sai quy định… Mặc dù, Tổng cục Môi trường đã xử lý các vi phạm trên với tổng mức xử phạt là 62.000 USD trong năm 2014, nhưng sau đó Nhà máy này vẫn tiếp tục không thực hiện các cam kết khiến người dân bức xúc và xảy ra biểu tình trong năm 2015.
[Làm rõ nguyên nhân biến động thị trường bất động sản]
Với Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, các cam kết về môi trường cũng không được cải thiện, ông Phạm Sỹ Thành chỉ ra, nhà máy này vi phạm về xả thải trước khi được cấp phép, chỉ số khí thải vượt ngưỡng cam kết, hệ thống máy vận hành phát sinh tro xỉ từ tháng 4/2018 nhưng đến 12/2018 chủ đầu tư mới hoàn thành và phê duyệt đề án xử lý tro xỉ. Đáng lưu ý hơn là việc Nhà máy này còn tự ý xây dựng “chui” 11 hạng mục công trình tại khu dịch vụ cho chuyên gia và người lao động của họ, gây ảnh hưởng đến an ninh và đời sống xã hội.
Đứng đằng sau các sai phạm này, theo ông Phạm Sỹ Thành, ngoài các nguyên nhân chủ quan với sự vô trách nhiệm từ phía các nhà máy, tổng thầu, chủ đầu tư còn có cả các nguyên nhân khách quan đến từ các cơ quan quản lý, do cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa quy hoạch về xử lý và quản lý chất thải đồng bộ với quy hoạch phát triển ngành điện than.
Ví dụ, trường hợp của nhiệt điện Duyên Hải, Vĩnh Tân, Vung Áng khiến bãi xả thải bị quá tải và không có tuyến đường vận chuyển riêng (sử dụng chung quốc lộ 1A) hay mật độ xây dựng nhà máy cao, sát khu vực dân cư sinh sống (trường hợp của tỉnh Quảng Ninh có tới 7 nhà máy nhiệt điện than đang vận hành)…
Khó xác định quy mô dòng vốn?
Mới đây, khi làm việc với một số nhà đầu tư Trung Quốc, tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận thấy, việc xác định quy mô nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam rất khó bởi không ít các doanh nghiệp Trung Quốc đã đi qua bên thứ ba (các thị trường có tín nhiệm và nhận được sự tin tưởng như Nhật Bản hoặc khu vực Hongkong…) để lập pháp nhân đầu tư vào Việt Nam, vì cho rằng làm như vậy sẽ thuận lợi hơn trong khi hoạt động kinh doanh vào Việt Nam.
Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, sáu tháng của năm, vốn đầu tư FDI vào Việt Nam tăng 9,7% và cao hơn mức 8,5% cùng kỳ. Trong đó, ngành công nghiệp và chế biến chế tạo vẫn thu hút FDI lớn nhất và chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới đồng thời trở thành động lực chính của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Tiếp theo, dòng vốn chảy vào khu vực bất động sản, chiếm 10,8% tổng vốn và 6,5% vốn đăng ký mới.
Xét theo đối tác, Trung Quốc tiếp tục trở thành nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam trong 6 tháng với tổng số vốn đăng ký mới 1.677 triệu USD. Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc là 1.239 triệu USD, Nhật Bản là 972 triệu USD, HongKong 920,8 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tăng cao bên cạnh đó Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực khiến Trung Quốc đang đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Việt Nam. Hiện tại, vốn đăng ký mới của riêng Trung Quốc đã chiếm 22,6% tổng vốn.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đức Thành cũng cảnh báo, “nếu không có chọn lọc, doanh nghiệp FDI Trung Quốc tiềm ẩn đem lại nhiều rủi ro về công nghệ cũ, tác động môi trường và điều kiện lao động…, những điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến quá trình cải cách thể chế của Việt Nam trong việc ký kết các FTA thế hệ mới”./.
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phát biểu: