Theo khảo sát Top 500 Doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2022 do Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) thực hiện mới đây nhất, 86,5% doanh nghiệp FAST500 ghi nhận, trong xu hướng sống chung với đại dịch COVID-19, nền kinh tế đang bắt đầu được mở cửa trở lại, các hoạt động sản xuất kinh doanh đang dần được khôi phục như thời điểm trước đại dịch.
Với tốc độ bao phủ vaccine như hiện nay, Việt Nam đang đứng trong Top cao nhất thế giới. Điều đó khiến hầu hết các doanh nghiệp FAST500 đều tin tưởng rằng, triển vọng tăng trưởng trong năm 2022 là khá tích cực.
83,3% doanh nghiệp lạc quan về triển vọng và cơ hội tăng trưởng trong năm nay tại thị trường trong nước. 89,2% doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng kinh doanh và 10,8% doanh nghiệp sẽ giữ nguyên quy mô kinh doanh hiện tại.
Cùng với đó, 86,5% số doanh nghiệp khẳng định vẫn đang nắm giữ đội ngũ nhân sự giỏi về chuyên môn, giàu kinh nghiệm và có tính kỷ luật cao. 67,6% số doanh nghiệp tự tin với lợi thế cạnh tranh của mình khi có mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng và có sản phẩm chất lượng cao cùng giá cả cạnh tranh.
Tích cực hơn, 62,2% số doanh nghiệp thể hiện những chuyển biến về nhận thức khi đánh giá xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện và cần thiết; tầm nhìn và chiến lược kinh doanh của công ty phải rõ ràng để nắm bắt được xu hướng thị trường.
Đó chính là cơ hội thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong năm 2022.
Trước tình hình này, các doanh nghiệp FAST500 sẽ tập trung vào 6 ưu tiên chiến lược để vượt qua những thách thức tăng trưởng.
Theo đó, 91,9% doanh nghiệp sẽ tăng cường đào tạo và cải thiện chất lượng nhân sự trong giai đoạn này; 83,8% tập trung vào xúc tiến bán hàng; 67,6% doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh; 56,8% doanh nghiệp cam kết đảm bảo việc làm, tiền lương và quyền lợi cho nhân viên; 48,6% doanh nghiệp hướng tới việc tăng cường hệ thống quản trị rủi ro và 37,8% doanh nghiệp quyết định sẽ tăng cường hợp tác đầu tư trong tương lai gần.
Báo cáo của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp FAST500 mong muốn, trong năm nay Chính phủ sẽ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại; tăng cường các gói hỗ trợ; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định và hoạt động tốt hơn.
Song song đó, tích cực cải thiện môi trường pháp lý và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng. Từ đó xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, giúp khơi thông các nguồn lực để tạo đà phát triển trong tương lai, tiến tới thực hiện mục tiêu tăng trưởng theo định hướng bền vững.
Một số ưu tiên được các doanh nghiệp FAST500 đề xuất Chính phủ thực hiện ngay trong năm nay như phối hợp nhịp nhàng hơn nữa giữa các chính sách, nhất là chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để đảm bảo được hiệu quả của những chương trình nằm trong gói hỗ trợ mà không tạo ra những tác dụng phụ (như lạm phát, bong bóng tài sản…) ngoài mong muốn.
[Công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam]
Ngoài ra, tập trung chú trọng cải tiến hiệu quả, tính kịp thời trong khâu thực thi của các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội; tránh xảy ra tình trạng kịch bản hay nhưng thực thi lại không hiệu quả, như mở cửa nền kinh tế linh hoạt, an toàn; phục hồi doanh nghiệp theo các gói hỗ trợ, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn về thanh khoản, dòng tiền, phục hồi thị trường lao động, tăng khả năng tiếp cận vốn, hỗ trợ thúc đẩy số, chuyển đổi số và đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà ở; trong đó giải ngân đầu tư công phải nhanh và hiệu quả hơn; cải cách mạnh mẽ, thực chất hơn nữa về thủ tục hành chính, để qua đó là cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh.
Theo các doanh nghiệp, cần phải lồng ghép và gắn kết chặt chẽ chương trình phục hồi với chương trình phòng chống dịch. Đây là điều kiện cần và đủ để Việt Nam hoàn thành tốt kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới.
Bên cạnh đó, chú trọng triển khai đồng thời những nhiệm vụ, giải pháp đã được ban hành trong các chương trình, kế hoạch trước đây như chương trình chuyển đổi số, chiến lược tăng trưởng xanh, chương trình nông thôn mới, chống biến đổi khí hậu …
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, đây cũng là thời điểm vàng để Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đặc biệt chú trọng phát triển những mô hình kinh tế, kinh doanh mới như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.
Để thúc đẩy tái cơ cấu nền kinh tế trong thời gian tới, cần thúc đẩy mô hình kinh tế tương lai hướng đến phát triển kinh tế xanh, bền vững và kinh tế số.Các doanh nghiệp FAST500 mong muốn phát triển bền vững phải gắn với chủ trương phát triển xanh.
Chính phủ cần nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh và bao trùm, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế cũng như các mục tiêu, chiến lược quốc gia có liên quan theo hướng tăng trưởng xanh, ít phát thải khí nhà kính và chống chịu tốt trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và những cú sốc từ bên ngoài.
Đây cũng là cơ hội để chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang các nguồn năng lượng xanh, sạch; giảm phát thải khí; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu.
Điều các doanh nghiệp đang quan tâm nhất để tạo đà phát triển hiện nay là cơ hội, lợi thế, kết nối, sáng tạo và quản trị rủi ro. Nền tảng quản trị chiến lược của doanh nghiệp là văn hóa và công nghệ.
Giá trị thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ là chất lượng sản phẩm, lợi nhuận, thị phần, mà còn quyện chặt với tầm nhìn, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm “xanh” trong bản thân mình, trong tương tác với thế giới bên ngoài.
Có như vậy, doanh nghiệp mới hoàn toàn có thể vượt nguy, tận dụng cơ hội và phát triển thực sự bền vững. Hành trình phát triển sẽ luôn đối mặt với không ít thách thức, trắc trở khó lường.
Bởi vậy, Việt Nam cần nỗ lực không ngừng, hành động tốc độ, đột phá, sáng tạo, quyết liệt cùng khả năng khéo léo xử lý tình thế khó khăn và quản trị các loại hình rủi ro khác nhau.../.