Hiện nay, các doanh nghiệp và siêu thị lớn đã tích trữ đủ lượng hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, thành phố Hà Nội đã xây dựng các kịch bản nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân với 5 cấp độ.
[Đảm bảo nguồn cung hàng thiết yếu trước mọi diễn biến dịch COVID-19]
- Thành phố Hà Nội đang bước vào "cao điểm" phòng, chống dịch COVID-19, xin bà cho biết về tình hình cung ứng, tiêu thụ hàng hóa trên địa bàn thành phố những ngày qua?
Bà Trần Thị Phương Lan: Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhân dân thành phố đã yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ đời sống người dân và yêu cầu phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, do cách hiểu chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương đóng cửa cả những cơ sở kinh doanh thương mại, kinh doanh mặt hàng lương thực, thực phẩm. Trước tình hình đó, trong ngày 26/3, người dân lo lắng nên đi mua sắm nhiều hơn, dẫn đến lượng hàng hóa tiêu thụ gấp đôi ngày thường.
Do các siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa đã có sự chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ mặt hàng thiết yếu từ rất sớm nên dù nhu cầu có tăng nhưng hàng hóa được đáp ứng kịp thời, đầy đủ, giá cả giữ ổn định.
Theo đánh giá của ngành công thương, nhu cầu mua hàng gia tăng cũng chỉ ở một thời điểm trong ngày 26/3 và ngay sau đó đã trở lại bình thường.
Trong những ngày cuối tuần qua, nhu cầu mua hàng hóa ổn định, không có đột biến. Đặc biệt, đến nay không xuất hiện tình trạng mua tích trữ hàng như hồi đầu tháng Ba.
- Diễn biến dịch bệnh vẫn đang rất phức tạp, ngành công thương đánh giá thế nào về nhu cầu hàng hóa của người dân?
Bà Trần Thị Phương Lan: Sở Công Thương đã tính toán cụ thể về nhu cầu hàng hóa trên địa bàn Thủ đô. Mỗi tháng bình thường, tổng giá trị hàng hóa thiết yếu tiêu thụ trên địa bàn thành phố khoảng 21.500 tỷ đồng.
Trong đó, các mặt hàng chính như gạo khoảng 93.000 tấn, thịt lợn 18.500 tấn, thịt gia súc, gia cầm khoảng 11.500 tấn; rau, củ hơn 103.000 tấn; sản phẩm chế biến từ ngũ cốc (mì ăn liền, cháo ăn liền, lương khô) khoảng 620.000 tấn...
Trên cơ sở đó, trong tháng có dịch, Sở Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ hàng hóa, sẵn sàng cung ứng cho thị trường tăng gấp 3 lần, tức là tổng giá trị hàng hóa khoảng 64.000 tỷ đồng, trong đó gạo khoảng 279.000 tấn, thịt lợn khoảng 56.000 tấn...
- Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa cung ứng cho thị trường như thế nào, thưa bà?
Bà Trần Thị Phương Lan: Các doanh nghiệp cung ứng hàng lớn đã dự trữ hàng hóa từ khá sớm, chủ động nguồn cung sẵn sàng bổ sung, đưa hàng về Hà Nội khi nhu cầu gia tăng đột biến.
Hiện, lượng hàng hóa tại kho của các doanh nghiệp luôn bảo đảm cung ứng cho thị trường Hà Nội trong vòng 60-90 ngày. Vì vậy, người dân không nên lo lắng, tích trữ nhiều.
Theo số liệu của ngành, một số đơn vị bán lẻ lớn như Tập đoàn Central Retail, Tập đoàn BRG (hệ thống các siêu thị Hapro, Intimex, SEIKA mart), hệ thống siêu thị Đức Thành... đã tăng lượng dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu từ 300% đến 500% so với bình thường.
Ngoài ra, hệ thống Co.opmart tăng lượng hàng hóa dự trữ với trị giá 1.000 tỷ đồng, sẵn sàng mở thêm các kho tạm để tăng lượng dự trữ phục vụ nhân dân.
- Vậy Hà Nội đã có kịch bản ứng phó với diễn biến bất thường của dịch bệnh?
Bà Trần Thị Phương Lan: Trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp, thành phố Hà Nội đã xây dựng các kịch bản với 5 cấp độ bảo đảm cung cấp đủ hàng hóa cho người dân.
Cấp độ 1 là có trường hợp bệnh xâm nhập trên địa bàn, cấp độ 2 là khi dịch bệnh có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn và cấp độ 3 là trên địa bàn có từ 20 đến trên 1.000 trường hợp mắc bệnh trở lên và có nhiều khu vực cách ly thuộc địa bàn nhiều quận, huyện; khi đó nhu cầu mua hàng tăng cao (từ 50% đến 100%) so với ngày bình thường.
Trong khi đó, cấp độ 4 là trên địa bàn có hơn 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh, 30 quận huyện đều có khu cách ly, khi đó nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày.
Đặc biệt, cấp độ 5 là trên địa bàn có từ hơn 3.000 đến 30.000 trường hợp mắc bệnh khiến cho khoảng trên 2 triệu người dân thành phố có nguy cơ lây nhiễm cao và khi đó người dân trên địa bàn chỉ ra khỏi nơi ở để mua nhu yếu phẩm, lượng hàng hóa cần cung ứng cho người dân trên địa bàn tăng đột biến.
Ở cấp độ 1, 2, 3, Sở chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện điều tiết, luân chuyển hàng hóa không để xảy ra tình trạng thiếu hàng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp, hỗ trợ giới thiệu, kết nối với các đơn vị cung ứng mặt hàng mà Hà Nội đang xảy ra biến động để đưa về Hà Nội.
Đối với cấp độ 4 và 5, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối dồn tổng lực hàng hóa về địa bàn Thủ đô và mở thêm các kho dự trữ hàng, các điểm bán trên các quận, huyện, thị xã, trường hợp cần thiết lập thêm các kho dã chiến.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương chủ động cùng các doanh nghiệp liên hệ với các tỉnh, thành phố để đưa hàng hóa về Hà Nội phục vụ nhân dân trong thời gian ngắn nhất. Sở đề nghị Bộ Công Thương điều tiết hàng hóa của các tỉnh hỗ trợ Hà Nội.
Sở cũng báo cáo thành phố cho bổ sung các xe chở hàng từ công an, quân đội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội hỗ trợ cho các doanh nghiệp đưa hàng hóa từ các tỉnh về Hà Nội và từ các kho tới hệ thống phân phối. Xin điều động lực lượng hỗ trợ bảo đảm cung ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân và các khu vực cách ly.
- Tiêu thụ một số mặt hàng thiết yếu hàng tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội:
- Vậy Sở Công Thương có khuyến cáo gì về việc phòng, chống dịch ở siêu thị?
Bà Trần Thị Phương Lan: Hiện, các siêu thị, trung tâm thương mại đã thực hiện việc phòng, chống dịch theo khuyến cáo của ngành Y tế, như bắt buộc đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt, thường xuyên vệ sinh các bề mặt...
Thành phố khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử, giao hàng tại nhà. Nếu đến siêu thị cần giữ khoảng cách tối thiểu 2m, vệ sinh khử khuẩn tay thường xuyên...
- Trân trọng cảm ơn bà!