Doanh nghiệp du lịch chủ động ứng phó vượt qua cơn bão lịch sử Yagi

Một số cộng đồng doanh nghiệp du lịch đã có những kịch bản cho từng tác động cũng như cú sốc mà cơn bão Yagi đã và đang gây ra. Theo đó, bão ảnh hưởng ở mức độ nào thì kích hoạt hành động ấy...

Hà Nội vẫn ngổn ngang sau bão. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Hà Nội vẫn ngổn ngang sau bão. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Hậu bão Yagi đã khiến hoạt động kinh doanh của không ít doanh nghiệp du lịch buộc phải ngưng trệ. Trong đó, các đơn vị có du thuyền hoạt động tại Quảng Ninh, Hải Phòng hiện đang phải tạm dừng phục vụ du khách; điểm “nóng” du lịch phải đóng cửa để khắc phục hậu quả mưa lũ; lữ hành buộc lòng chuyển hướng cho các tour phía Bắc…

Chưa thể ấn định ngày đón khách trở lại

Mặc dù trước bão, Quảng Ninh có lệnh cấm biển, nhiều doanh nghiệp đã đưa hết tàu về bến để có chỗ neo đậu an toàn, nhưng sức tàn phá khủng khiếp của bão Yagi đã khiến hàng chục tàu thuyền, cầu phao đậu ở Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu tan tác.

Ông Phạm Hà, CEO Lux Group - đơn vị kinh doanh du thuyền trên cả vịnh Lan Hạ và Hạ Long cho biết hai xuồng chở khách từ cảng ra du thuyền lớn của công ty đã bị đánh chìm, còn tàu du lịch chở khách ngủ đêm của đơn vị tuy cũng bị gió quật nhưng cơ bản vẫn hoạt động được.

“Rất may mắn là thủy thủ và hệ thống tàu thuộc công ty vẫn an toàn. Vượt qua thử thách lần này đã cho thấy tinh thần đoàn kết, sự kiên cường của đội ngũ trong doanh nghiệp chúng tôi,” ông Phạm Hà cho hay.

Theo CEO Phạm Hà, hiện du thuyền và nhà chờ của doanh nghiệp cần được gia cố, làm sạch, cũng như sẽ phải sửa chữa kính, nội thất mới có thể tiếp tục phục vụ du khách được an toàn. Hiện, công ty vẫn chưa thể ấn định ngày đón khách.

Quảng Ninh, Hải Phòng là những điểm đến được các công ty lữ hành thiết kế trong hành trình tour, nhất là phục vụ khách quốc tế. Trước khi cơn bão đổ bộ, để đảm bảo an toàn, nhiều đơn vị lữ hành đã tính toán, chuyển điểm đến cho du khách mua tour tháng 9 sang một số điểm khác trong khu vực miền Bắc như Ninh Bình, Hà Nam.

z5816267141904_59d1ad8cb374aa5c75c089dd383dd3de.jpg
Khu du lịch Bãi Cháy, Quảng Ninh tan hoang sau bão. (Ảnh: TTXVN)

Thế nhưng sau bão, với những thiệt hại nặng nề, nhiều công ty có đoàn khởi hành tuyến miền Bắc, qua Hà Nội, Hạ Long tuần tới đang rất quan ngại về khả năng cung ứng dịch vụ của điểm đến từ vận chuyển, lưu trú tới chất lượng nguồn thực phẩm…

Không chỉ miền biển, hiện Sa Pa cũng đã dừng mọi hoạt động tham quan, du lịch do nhiều tuyến đường bị sạt lở trong mưa bão Yagi. Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa ngày 8/9 thông báo dừng các hoạt động du lịch ngoài trời; đón khách tham quan tại các điểm di tích, danh thắng trên địa bàn đến khi có thông báo mới. Các khu lưu trú trên địa bàn hầu như không có du khách.

Dừng tất cả hoạt động du lịch hoặc chuyển hướng tour từ 5/9 khi được dự báo thời tiết xấu là thông báo của một số đơn vị lữ hành để đảm bảo an toàn cho khách du lịch.

Không đưa khách tới điểm bị ảnh hưởng của bão lũ

Để ứng phó với mưa bão, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp du lịch địa phương này đã có những kịch bản cho từng tác động cũng như cú sốc từ thiên tai. Theo đó, ảnh hưởng ở mức độ nào thì kích hoạt hành động ấy, từ cách thức phối hợp ra sao, hỗ trợ chung trong cộng đồng thế nào, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để vừa hạn chế thiệt hại đối với hệ thống hạ tầng dịch vụ của doanh nghiệp vừa hạn chế tác động tiêu cực đến du khách khi có mặt ở điểm đến…

“Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn trong tâm thế chủ động, sẵn sàng tập trung nguồn lực để ứng phó với từng tình huống thiên tai diễn biến phức tạp xảy ra, đặc biệt trong những ngày bão số 3 diễn biến rất phức tạp vừa qua, cho đến hôm nay, Yagi vẫn tiếp tục tác động rất nặng nề đến các địa phương ở phía Bắc,” ông Cao Trí Dũng cho hay.

Với những đoàn khách đã có kế hoạch trải nghiệm các điểm đến miền Bắc thời điểm này, cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đã làm việc ngay với hệ thống dịch vụ phía Bắc để hoãn, hủy, lùi ngày khởi hành các chuyến đi trên tinh thần tôn trọng lợi ích các bên.

z5816267134514_51f42dcbf4af3381e3850955ff660279.jpg
Sa Pa tạm đóng cửa sau bão. (Ảnh: TTXVN)

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng cho biết: “Các doanh nghiệp lữ hành ở Đà Nẵng cũng đã làm việc với cơ quan bảo hiểm để sử dụng các điều khoản nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như thiệt hại cho du khách và các công ty du lịch. Với những hành khách không thể đi chuyến tiếp theo chúng tôi đã hoàn tiền; với khách tiếp tục chờ đã được đổi ngày đi khi xác định được thời điểm khởi hành an toàn, dịch vụ chu đáo, chất lượng cao.”

Trước tình hình bão Yagi đang ảnh hưởng nặng nề ở các tỉnh phía Bắc cũng như Bắc Trung Bộ, Cục Du lịch Quốc gia cũng đã có định hướng với các địa phương trong việc tăng cường công tác điểm đến, tăng cường định hướng cho doanh nghiệp du lịch không đưa khách tới những điểm đến đang bị ảnh hưởng của bão lũ, thiên tai.

“Đặc biệt, với sự chỉ đạo thường xuyên, liên tục của Chính phủ cùng các công điện của Thủ tướng Chính phủ sẽ là định hướng cho các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có lĩnh vực du lịch để các địa phương, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc, tránh rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động kinh doanh cũng như đảm bảo an toàn tính mạng cho du khách,” Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục