Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy sau những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra.
Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19 ảnh 1Doanh nghiệp dệt may sản xuất khẩu trang phục vụ phòng chống dịch COVID-19. (Ảnh: Vietnam+)

Dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu làm đứt gãy chuỗi sản xuất, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trên thế giới nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng.

Trong khó khăn chung, nhiều doanh nghiệp đã tự lực tìm kiếm thị trường, sản phẩm mới, cách làm mới để duy trì, ổn định sản xuất, đón đợi cơ hội bật dậy.

Phóng viên TTXVN đã ghi nhận chia sẻ của một số doanh nghiệp về các gian nan để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Cao Hữu Hiếu, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex): Bù đắp thiếu hụt

Dịch COVID-19 đang khiến thu nhập của 3 triệu lao động ngành dệt may bị ảnh hưởng nặng nề. Châu Âu và Mỹ bước đầu đã vượt qua được giai đoạn căng thẳng nhất của dịch. Tuy nhiên, những đơn hàng bị hoãn phần lớn là cho dịp Xuân-Hè và dự kiến hết dịch thì thời tiết đã sang Thu. Vì vậy, khả năng cao đơn hàng dừng hoãn sẽ trở thành đơn hàng bị hủy.

Thời gian hoãn hợp đồng cũng kéo dài lên đến 3-6 tháng. Chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu bị gián đoạn dẫn đến doanh nghiệp không thể tối ưu hóa hiệu quả sản xuất, chi phí gia tăng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với doanh nghiệp dệt may trong nước cũng như toàn cầu là dòng tiền đang dừng lại, đe dọa sự tồn tại của doanh nghiệp.

Theo ông Hiếu, trước việc phải duy trì việc làm cho người lao động, Vinatex đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuyển sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn để bù đắp phần thiếu hụt của các sản phẩm truyền thống. Việc sản xuất khẩu trang giúp tập đoàn giải quyết việc làm cho 20% số lao động bị thiếu việc.

Tập đoàn cũng đang xúc tiến xuất khẩu khẩu trang vải 3 lớp chống giọt bắn, kháng khuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn của Bộ Y tế sang một số quốc gia châu Âu và Mỹ như Cộng hòa Séc, Hungary, Canada, Mỹ nhằm bù đắp một phần đơn hàng may mặc bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, theo ông Hiếu, đây chỉ là giải pháp giúp doanh nghiệp duy trì việc làm cho người lao động, chưa thể coi là mặt hàng chiến lược khi nhu cầu khẩu trang chỉ mang tính thời điểm.

[Thị trường nội địa: ‘‘Bệ đỡ’’ giúp doanh nghiệp vượt khủng hoảng]

Trong giai đoạn dịch COVID-19, Vinatex đã đưa ra một số kịch bản gồm tập trung giải quyết nhanh, gọn các đơn hàng chưa bị hủy, tìm kiếm các đơn hàng phục vụ thị trường nội địa, sản xuất các mặt hàng phòng dịch, đồng thời có những kiến nghị Chính phủ đề nghị hỗ trợ nguồn tài chính để trả lương cho người lao động, miễn, giảm, hoãn bảo hiểm xã hội, phí công đoàn, thuế thu nhập doanh nghiệp 2019, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất năm 2020.

Tập đoàn cũng đề nghị ngân hàng ân hạn khoản vay dài hạn đến hạn, kéo dài thời gian vay vốn lưu động, giảm lãi suất, không hạ loại tín dụng, xin ân hạn khoản vay ADB của tập đoàn và một số đơn vị thành viên tham gia dự án, đồng thời kêu gọi cổ đông chia sẻ giải pháp tài chính giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.

Bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm: Quay về thị trường nội

Dịch COVID-19 đã làm đảo lộn mọi kế hoạch, mục tiêu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong những năm qua, công ty đã tái cơ cấu cho phù hợp thị trường, tối ưu kinh doanh, nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 đã đặt doanh nghiệp về mốc xuất phát ban đầu.

Theo bà Ty, doanh nghiệp không chỉ khó khăn về đơn hàng trước mắt mà về lâu dài không thể dự báo được xa do dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Mặc dù doanh nghiệp áp dụng một số giải pháp giảm giờ làm, giảm lương, kể cả với khối văn phòng cũng được áp dụng, doanh nghiệp rà soát, siết toàn bộ chi phí, thậm chí đến mức "ngạt thở."

Quay về thị trường nội địa là cách lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong ngành, trong đó có May Hồ Gườm. Tuy nhiên, sức cầu trong nước suy giảm mạnh khiến các doanh nghiệp đều gặp khó.

Theo bà Ninh Thị Ty, người lao động càng đồng lòng giảm lương, càng chia sẻ thì áp lực cho ban lãnh đạo càng lớn hơn. Tháng 3/2020, May Hồ Gươm đã vượt qua được nhưng giờ là câu hỏi, làm gì để vượt qua hết tháng 5-6 tới khi đơn hàng giảm.

Việc chuyển sang may khẩu trang cũng chỉ như muối bỏ biển khi một dây chuyền 50 người làm được mấy chục nghìn chiếc một ngày. Số lao động hàng nghìn người còn lại làm gì là câu hỏi đặt ra với chủ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn vật liệu Tầm nhìn Việt: Tìm kiếm thị trường mới

Dịch COVID-19 đã tác động nhiều đến các nền kinh tế và doanh nghiệp. Trong thời gian qua, vì nguồn nguyên liệu bị đứt đoạn, các thị trường xuất khẩu cũng dừng nhập hàng do thực hiện cách ly và đóng cửa tại các quốc gia, vùng lãnh thổ nên doanh nghiệp chuyên sản xuất mặt hàng cơ khí đã bị cắt đứt khoảng 80% đơn hàng. Điều này khiến doanh thu của doanh nghiệp cũng bị sụt giảm hơn 80%.

Tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu tại Anh tiếp tục đóng cửa đến hết tháng 5/2020, thị trường Nhật Bản và nội địa đang có tín hiệu khôi phục trở lại.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều giải pháp về thuế, phí, vay vốn ưu đãi, song hầu như doanh nghiệp đều khó tiếp cận. Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực sự thiếu thông tin, hướng dẫn. Với vốn vay ngân hàng, doanh nghiệp thiếu tài sản đảm bảo, nên không thể vay được, dù các con số về tài chính là ổn.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, hiện nay tình hình chống dịch tại Việt Nam là rất tốt so với các nước, do vậy triển vọng trong tương lai và cơ hội là khá rõ ràng. Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa nói chung và doanh nghiệp Tầm nhìn Việt nói riêng cũng rất mong muốn các ngân hàng có chính sách thông thoáng hơn, dễ tiếp cận vốn vay. Hiện các đơn vị cho thuê tài chính bên ngoài có hướng tiếp cận vốn đơn giản hơn, dù lãi suất cao hơn của các ngân hàng. Doanh nghiệp có thể cho vay bằng chính tài sản dự kiến đầu tư.

Trong khi chờ đợi các gói hỗ trợ, để vượt qua giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp tiếp tục tìm kiếm các thị trường mới ngoài thị trường truyền thống là Anh, Nhật Bản và nội địa. Hiện tại, doanh nghiệp đang tăng cường xúc tiến thương mại và làm việc với phía đối tác để ký kết các hợp đồng mới, đa dạng hơn nữa nguồn nguyên liệu đầu vào là sản phẩm nhôm.

Ngoài ra, Công ty trách nhiệm hữu hạn vật liệu Tầm nhìn Việt cũng sẽ xây dựng thêm nhà máy sơn xử lý bề mặt tĩnh điện để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất để có thể thực hiện, đáp ứng nhiều hơn nữa nhu cầu của khách hàng.

Ông Vũ Hải Bằng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Woodsland: Dồn sức cho những đơn hàng có khách

Trong suốt thời gian dịch COVID-19, với doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến gỗ nói chung và công ty nói riêng, khó khăn không xuất phát từ việc phải giãn cách xã hội mà vì các đơn hàng bất ngờ bị hủy, nhất là thị trường Mỹ và EU. Có thị trường nhập khẩu dừng hoàn toàn, có thị trường vẫn duy trì lượng nhỏ.

Ban đầu, doanh nghiệp gần như dừng sản xuất nhưng có một số sản phẩm vẫn có thể xuất được như đồ gỗ nội thất đi Mỹ, Canada, Nhật Bản… Doanh nghiệp dồn sức để làm các đơn hàng này. Bên cạnh đó, cùng với những đơn hàng đã đặt, doanh nghiệp cũng điều chỉnh lại sản xuất một số sản phẩm để đưa vào lưu kho và chờ hết dịch, xuất khẩu trở lại. Tuy nhiên, việc lưu kho cũng không thể chứa hết được lượng hàng cũng như kéo theo khó khăn về vốn.

Doanh nghiệp đón cơ hội bật dậy trong thời kỳ hậu COVID-19 ảnh 2Chế biến gỗ xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Vũ Hải Bằng, doanh nghiệp cố gắng khôi phục sản xuất, nhưng các đơn hàng cũng chưa thấy về nhiều, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chính như EU, Mỹ... Doanh nghiệp đã hoạt động được 50-60% công suất. Một số nước đã mở cửa trở lại, nhưng vẫn chưa đủ để khách hàng đặt hàng.

Ông Vũ Hải Bằng nhận định sự khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến gỗ nói chung và Công ty cổ phần Woodsland nói riêng phụ thuộc chính vào các đơn đặt hàng của khách hàng.

Tình hình quý 2 có thể sẽ không có nhiều thay đổi. Doanh nghiệp hy vọng sang quý 3 tình hình dịch sẽ được kiểm soát tốt và việc phát triển sản xuất sẽ tốt hơn. Nhưng nếu tình hình này kéo dài vài tháng nữa thì các doanh nghiệp cũng khó có thể duy trì, phát triển sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục