Doanh nghiệp đối mặt khó khăn trăm bề, cần sự trợ lực kịp thời

Có tới 61,4% trong số 5.663 doanh nghiệp của ngành chế biến, chế tạo tham gia khảo sát cho biết hoạt động sản xuất-kinh doanh của họ quý 3 đang gặp khó khăn hơn so với quý 2.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước, đặc biệt là 19 tỉnh, thành phố phía Nam. Trong đó, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gánh chịu nhiều tác động tiêu cực.

Báo cáo “Xu hướng sản xuất-kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo quý 3 và dự báo quý 4” của Tổng cục Thống kê cho thấy chỉ có 38,6% trong số 5.663 doanh nghiệp trả lời khảo sát cho biết hoạt động sản xuất-kinh doanh quý 3 tốt lên và giữ ổn định so với quý 2 (trong đó 13,2% tốt lên và 25,4% giữ ổn định). Bên cạnh đó, 61,4% doanh nghiệp chia sẻ hoạt động sản xuất-kinh doanh của họ đang khó khăn hơn.

[Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng tăng 1,42% do ảnh hưởng bởi COVID-19]

Khi được hỏi về triển vọng trong quý 4, 73,7% doanh nghiệp kỳ vọng tình hình sản xuất-kinh doanh của họ sẽ tốt hơn và giữ ổn định đồng thời số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn đã giảm xuống chỉ còn 26,3%.

Doanh nghiệp than khó trăm bề

Nhận định về các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất-kinh trong quý 3, 50,9% doanh nghiệp cho biết nhu cầu thị trường trong nước thấp là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động sản xuất-kinh doanh của họ. Bên cạnh đó, 46,0% doanh nghiệp cho rằng tính cạnh tranh của hàng trong nước cao.

Ngoài ra, 35% doanh nghiệp cho hay đang gặp phải những khó khăn về tài chính và 33% doanh nghiệp thì thiếu nguyên, nhiên, vật liệu. Với các doanh nghiệp xuất khẩu, 24,2% đơn vị cho rằng nhu cầu thị trường quốc tế thấp và 18,1% doanh nghiệp than vãn về tính cạnh tranh của hàng nhập khẩu cao.

Không chỉ có vậy, các yếu tố như không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu, những khoản vay với lãi suất cao, thiết bị công nghệ lạc hậu, chính sách pháp luật của Nhà nước, không có khả năng tiếp cận vốn vay và thiếu năng lượng… cũng ảnh hưởng phần nào đến sản xuất-kinh doanh của doanh nghiệp.

Báo cáo cũng chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất-kinh doanh của các doanh nghiệp tại 4 tỉnh, thành phố phía Nam có mức độ bị ảnh hưởng lớn nhất bởi dịch COVID-19. Cụ thể, 90,3% doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh, 49,3% tại Bình Dương, 90,3% tại Đồng Nai và 79,9% doanh nghiệp tại Long An than phiền về những khó khăn hơn đã xảy ra. Với dự báo quý 4, các doanh nghiệp đánh giá tiếp tục khó khăn tương ứng 50,6%; 12,8%; 24,2%; 10,5%.

Đơn đặt hàng mới trong quý 3 giảm

Khi được hỏi về số lượng đơn đặt hàng mới trong quý 3, 44,6% số doanh nghiệp cho biết số lượng đơn hàng mới tăng và giữ nguyên so với quý 2 trong khi 55,4% doanh nghiệp cho rằng số lượng này giảm.

Thống kê cho thấy các ngành kinh tế có lượng đơn đặt hàng giảm như lĩnh sản xuất thuốc lá 71,4%, sản xuất xe có động cơ 68,2%, ngành sản xuất máy móc, thiết bị 61,9%…

Về dự báo số lượng đơn hàng mới quý 4, khảo sát cho thấy 75,7% doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tăng hoặc giữ nguyên và chỉ có 24,3% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng mới của họ sẽ giảm.

Riêng về đơn đặt hàng xuất khẩu mới, 48,8% doanh nghiệp đánh giá quý 3 tăng và giữ nguyên so với quý 2 và 51,2 % doanh nghiệp cho biết bị giảm.

Các doanh nghiệp dự báo số lượng đơn hàng xuất khẩu mới quý 4 khả quan hơn với 77,6% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên so với quý 3 (34,6% tăng và 43,0% giữ nguyên); 22,4% doanh nghiệp dự báo giảm.

Thêm vào đó, tình trạng giãn cách xã hội tại nhiều địa phương khiến cho việc tổ chức sản xuất-kinh doanh bị đội chi phí trong quý 3. Cụ thể, 89,8% số doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất một đơn vị sản phẩm chính tăng so với quý 2 trong khi chỉ có 10,2% doanh nghiệp đánh giá giảm.

Một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá chi phí sản xuất quý 3 tăng mạnh so với quý 2, như sản xuất thuốc lá 50,0%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 48,4%, ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 45,5%…

Sang đến quý 4, sự lo lắng của các doanh nghiệp cũng không giảm nhiều khi có đến 87,2% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm chính tăng và giữ nguyên, còn lại 12,8% doanh nghiệp dự báo chi phí sản xuất giảm.

Cần sự trợ lực kịp thời

Theo ông Vũ Tiến Lộc-Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), hiện nhiều địa phương đã nới lỏng giãn cách, dần mở cửa trở lại cho các hoạt động kinh tế, vì vậy các chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp lúc này là vô cùng cần thiết.

Theo đó, các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đến được kịp thời sẽ là động lực quan trọng để họ có thể tái sản xuất, tăng tốc kinh doanh.

Cụ thể, ông Lộc cho rằng Chính phủ cần thực hiện giải pháp “5T” để hỗ trợ doanh nghiệp. Hiện nay, Chính phủ đang chuẩn bị các kịch bản, lộ trình để mở cửa nền kinh tế. Trên cơ sở đó, kịch bản này cần sớm được hoàn thành và ban hành để các địa phương có thể triển khai nhanh chóng, tạo tiền đề cho doanh nghiệp hồi phục.

Thứ hai là “tiếp máu”, đây là biện pháp liên quan đến chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội… Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những gói hỗ trợ tương đối lớn. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ cần có thêm các chính sách hỗ trợ mới. Thứ ba là thúc đẩy doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua các khóa đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản trị, điều hành cũng như tay nghề cho người lao động để cải thiện kỹ năng, tăng năng suất. Bên cạnh đó là cải cách “thể chế”, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường cạnh tranh và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối lại thị trường.

Cùng quan điểm, ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh (Hiệp hội Công Thương TP.Hà Nội) nhận định hiện Việt Nam đang bắt đầu mở cửa trở lại, do đó các doanh nghiệp cần phải có kế hoạch để phục hồi nhanh, tìm thị trường và nguồn lao động. Mặt khác, doanh nghiệp cần xây dựng gói tài chính bao gồm kế hoạch tài chính tổng thể, kế hoạch về thuế, nợ và gửi các cơ quan chức năng xem xét.

“Hiện nay, rất nhiều nước áp dụng cơ chế xóa nợ. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có gói kích thích 'tiền tươi thóc thật' để hỗ trợ cũng như có phương án giãn, hoãn nợ cho doanh nghiệp chứ không chỉ đến 30/6/2022, ông Lê Xuân Nghĩa đề xuất.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần chỉ đạo Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng điều chỉnh giảm lãi, cơ cấu nợ; không phạt lãi chậm trả, lãi quá hạn đối với các khoản nợ đến hạn trả trong thời gian giãn cách trên cơ sở đánh giá mức độ thiệt hại và triển vọng phục hồi của khách hàng tương ứng với ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19 lần thứ tư./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục