Doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt niềm tin đầu tư vào Việt Nam

Theo trang thông tin công nghệ Digitimes, dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử.
Doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt niềm tin đầu tư vào Việt Nam ảnh 1Sản xuất linh kiện điện tử. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo trang thông tin công nghệ Digitimes trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng vượt bậc trong năm năm tới. Dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn không ngừng thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành công nghiệp điện tử.

Lĩnh vực bán dẫn được coi là động lực cho nhiều ngành công nghiệp và là một trong 9 sản phẩm công nghệ giá trị cao tại Việt Nam. Cùng với việc tham gia sâu rộng vào hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới.

Theo ước tính của Fitch Solutions, khoảng 65% doanh nghiệp điện tử nước ngoài đặt cơ sở sản xuất tại miền Bắc, 30% ở miền Nam và một tỷ lệ nhỏ ở các tỉnh miền Trung. Các khu công nghiệp ở miền Bắc hiện nay là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp điện tử quy mô lớn và nổi tiếng như Fuji Xerox, Compal, Canon, Foxconn, Petragon, Samsung, Meiko, Samsung Display, LG Display, Intel, LG Innotex, Renesas, Wintex, Panasonic, Luxshare, USI, LG Electronic, Hosiden.

Trang mạng entrepreneur.com cũng đánh giá Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu điện tử chủ lực, xếp thứ 12 trên thế giới. Trong vài năm gần đây Việt Nam đã thực hiện một số hiệp định thương mại với các nước và các chính sách linh hoạt để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, cho rằng điều này đã mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nhân vì ngành công nghiệp này đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

[Điện thoại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu nhóm xuất khẩu tỷ USD]

Xuất khẩu tăng ổn định với mức tăng trung bình 12 tỷ USD/năm, từ 47,3 tỷ USD lên 96,9 tỷ USD vào năm 2019. Từ năm 2015-2019, nhập khẩu các mặt hàng điện tử tăng gần 2 lần. Việt Nam có ngành công nghiệp điện tử đa dạng từ điện thoại di động, tivi, camera, thiết bị điện, mạch tích hợp điện tử…

Cũng theo trang entrepreneur.com, Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ giúp giảm thuế quan thương mại và thúc đẩy nền kinh tế của Việt Nam, giúp hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) và hiệp định này sẽ giảm dần hầu hết các loại thuế quan, hàng rào quy định và các rào cản để tạo cơ hội kinh doanh cho cả hai bên.

Trong bối cảnh đợt dịch lần thứ 4 khiến nhiều địa phương phải giãn cách xã hội, các khu công nghiệp của Việt Nam vẫn thu hút đáng kể vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong ngành điện tử.

Trong nửa đầu năm, Việt Nam có 613 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,1 tỷ USD, chiếm hơn 43% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nổi bật là một số dự án như dự án đầu tư tăng thêm 750 triệu USD cho Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc) của LG Display Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư của dự án này lên tới 3,25 tỷ USD.

Ngoài ra, còn có nhiều dự án lớn như dự án Nhà máy Fukang Technology (Singapore) vốn đầu tư đăng ký 293 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại Bắc Giang. Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hongkong, Trung Quốc), tổng vốn đầu tư đăng ký 498 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm quang năng và sản xuất thiết bị điện khác tại Quảng Ninh.

Báo cáo gần đây của Fitch Solutions nêu rõ ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Việt Nam sẽ tăng trong năm 2021 nhờ “triển khai tiêm chủng vaccine toàn cầu và nhu cầu đối với các ngành xuất khẩu chủ lực tăng mạnh,” Ngành công nghiệp này sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ "sức mua, nhân khẩu học và xu hướng hiện đại hóa kinh tế, vốn giúp Việt Nam trở thành một trong những điểm đến triển vọng trong khu vực khi các nhà cung ứng bắt đầu khai thác tầng lớp trung lưu ngày càng tăng và dòng người mua lần đầu."

Theo Fitch Solutions, các công ty điện tử nước ngoài vẫn duy trì nhà máy ở miền Bắc Việt Nam bất chấp dịch bệnh COVID-19.

Tại các tỉnh đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 như Đồng Nai, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn tin tưởng, tăng vốn đầu tư. Chỉ riêng từ đầu tháng 8 đến nay, Đồng Nai thu hút được hơn 100 triệu USD vốn FDI. Các dự án tăng vốn đa phần đều thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện tử.

Theo công ty khảo sát và tư vấn về công nghệ Technavio, ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 19%, tương đương khoảng 6,16 tỷ USD trong khoảng thời gian từ năm 2020 đến năm 2024. Với những diễn biến quan trọng gần đây của ngành công nghiệp điện tử,

Việc các doanh nghiệp FDI đầu tư thêm một số dự án quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao thuộc lĩnh vực quan trọng như công nghiệp chế tạo là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Việt Nam trong hoạt động thu hút đầu tư toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục