Doanh nghiệp điện mặt trời đề xuất gỡ khó cho dự án điện chuyển tiếp

Chủ đầu tư Dự án điện mặt trời Phù Mỹ cho hay công ty không được ngân hàng cho vay, không thể tiếp cận nguồn vốn do chưa được vận hành thương mại, gây rất nhiều lãng phí.
Dự án giai đoạn 2 của điện mặt trời Phù Mỹ đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào vận hành phát điện, gây lãng phí lớn. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Nhiều doanh nghiệp đầu tư điện mặt trời và điện gió ở tỉnh Bình Định liên tục kiến nghị chính quyền và cơ quan chức năng sớm tháo gỡ khó khăn liên quan đến hợp đồng mua bán điện và giá điện đối với các dự án điện chuyển tiếp.

Bởi lẽ, việc chậm đưa vào vận hành phát điện sẽ gây lãng phí nguồn tài nguyên cũng như thiệt hại cho doanh nghiệp.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ có tổng vốn hơn 7300 tỷ đồng, tổng công suất thiết kế 330MWp.

Hiện, giai đoạn 1 của dự án đã đưa vào vận hành phát điện với công suất 216MWp. Tuy nhiên, giai đoạn 2 của nhà máy lại không được đưa vào vận hành phát điện với nguyên nhân là nhà đầu tư không thể hoàn thành toàn bộ dự án trước thời điểm 31/12/2020.

[Yêu cầu đàm phán giá điện gió, điện Mặt Trời chuyển tiếp trước 31/3]

Ông Huỳnh Tấn Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Tầm nhìn Năng lượng sạch - chủ đầu tư Dự án điện mặt trời Phù Mỹ, cho hay công ty không được ngân hàng cho vay, không thể tiếp cận nguồn vốn do chưa được vận hành thương mại, gây rất nhiều lãng phí.

Công ty mong muốn Quốc hội, Chính phủ, Bộ Công Thương sớm ghi nhận sản lượng đối với phần công suất còn lại và trong quá trình chờ đàm phán, Bộ Công Thương cần ghi nhận sản lượng cho vào vận hành, nếu giá thỏa thuận cao hoặc thấp với mức giá hiện tại thì công ty chấp nhận khấu trừ sau.

Còn dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội, giai đoạn 2 có công suất 30MW, gồm 6 trụ tuabin, tổng mức đầu tư hơn 1200 tỷ đồng. Dự án đã được cấp giấy phép hoạt động, hòa lưới điện và được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ghi nhận trên dữ liệu điện tử.

Dự án giai đoạn 2 của điện mặt trời Phù Mỹ đã hoàn thành nhưng chưa được đưa vào vận hành phát điện. (Ảnh: Sỹ Thắng/TTXVN)

Tuy nhiên, dự án vẫn chưa được công nhận ngày vận hành thương mại vì chưa hoàn thành hết các quy trình thử nghiệm theo quy định của ngành điện.

Ước tính thiệt hại, tổn thất của nhà đầu tư khoảng 75 triệu KWh tương đương với 160 tỷ đồng. Hệ thống kỹ thuật của nhà máy, các tuabin dần bị hư hại bởi thời tiết.

Ông Đặng Vĩnh Sơn, Trưởng ban Quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định thông tin nguyên nhân chính khiến các dự án này chậm tiến độ là do trong quá trình thi công rơi vào thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19.

Để tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, Ban cũng đã kiến nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh có văn bản gửi  Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét điều kiện đặc thù, hỗ trợ cho nhà đầu tư sớm đóng điện đi vào hoạt động nhằm giảm tổn thất cho nhà đầu tư, tạo nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Đầu tháng 1/2023, Bộ Công Thương ban hành quyết định 21/QĐ-BCT về việc ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có dự án điện mặt trời, điện gió đều cho rằng khung giá như vậy là còn quá thấp, chưa phù hợp với tình hình thực tế.

Ông Trần Thúc Kham, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định, cho biết doanh nghiệp thất thu dẫn tới các nguồn thuế đóng góp cho địa phương cũng bị ảnh hưởng, sụt giảm.

Trong các đợt làm việc, Sở cũng đã kiến nghị tới đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến đề xuất đến Chính phủ, sớm có chính sách cụ thể để các doanh nghiệp đàm phán được giá phát điện. Đàm phán được giá bán điện thì mới phát điện, hòa lưới được./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục