Doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất phù hợp với tình hình mới

Nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã đồng loạt khai Xuân vừa sản xuất vừa tăng cường chống dịch, với kỳ vọng một năm mới thắng lợi, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.
Doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất phù hợp với tình hình mới ảnh 1May hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Đầu năm 2021, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành dệt may đã đồng loạt khai Xuân vừa sản xuất vừa tăng cường chống dịch, với kỳ vọng một năm mới thắng lợi, sung túc, hoàn thành mục tiêu đã đề ra.

Điều chỉnh sản xuất ứng phó dịch bệnh

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất-tiêu dùng dệt may. Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 - Thân Đức Việt, do tình hình phức tạp của đại dịch, ngay từ trước Tết, May 10 đã điều chỉnh lại toàn bộ các kế hoạch sản xuất cũng như kế hoạch hoạt động phong trào; trong đó ưu tiên tuyệt đối trong giai đoạn này là phòng, chống dịch.

Còn các đơn hàng tập trung giao sản phẩm trước Tết cho đối tác, về cơ bản công ty đã hoàn thiện. Riêng các hoạt động khai Xuân, năm nay May 10 sẽ không tổ chức như truyền thống mà thực hiện nghiêm túc việc phòng, chống dịch theo hình thức online.

Bên cạnh đó, tại nơi làm việc, công ty thực hiện chặt chẽ phòng, chống dịch, khử khuẩn, khai báo y tế, buồng khử khuẩn đặt trước cổng trụ sở công ty cũng được kích hoạt với mức độ cảnh báo cao.

[Vinatex chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của dệt may giai đoạn COVID-19]

Ông Thân Đức Việt cho biết thêm, về tiến độ các đơn hàng xuất khẩu trước Tết Âm lịch, thời điểm ngày 28/1 cho đến lúc nghỉ Tết Nguyên đán chỉ còn hơn 1 tuần, May 10 đã phải huy động toàn bộ người lao động tập trung làm việc với những kịch bản có thể xảy ra, bởi bản thân một số đơn vị, khu vực ở địa bàn Hà Nội đã bị phong tỏa.

Mặc dù ưu tiên phòng, chống dịch nhưng May 10 cũng tăng cường các biện pháp, kế hoạch sản xuất, kinh doanh để tập trung hoàn thành đúng tiến độ đơn hàng, nhằm đảm bảo mục tiêu kinh tế đề ra.

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Hải Đường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần M2 Việt Nam (M2 Việt Nam): “Trong năm qua, M2 cũng đã thiệt hại nặng nề. Sang năm 2021, chúng tôi hi vọng sẽ tươi sáng hơn, song kế hoạch sản xuất kinh doanh cũng đã được điều chỉnh giảm. Mục tiêu trước mắt là chống dịch, doanh nghiệp cố gắng đi vào hoạt động đảm bảo an toàn và đẩy mạnh bán online, tiệm cận với người tiêu dùng. Đồng thời lên hết các kịch bản, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.”

Tín hiệu phục hồi

Ngành dệt may Việt Nam vừa trải qua một năm 2020 suy giảm lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm mở thị trường xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, đến năm 2021, trong tình hình bình thường mới của thế giới, các hoạt động giao dịch thương mại đã trở lại, tuy số lượng và đơn giá chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019.

Doanh nghiệp dệt may ra quân sản xuất phù hợp với tình hình mới ảnh 2Sản xuất khẩu trang tại Tổng Công ty may 10. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), với dệt may, để trở lại ngưỡng tiêu thụ của năm 2019, theo dự báo sáng sủa nhất cũng phải đến quý 3/2022 và theo kịch bản phục hồi chậm, thì hết năm 2023.

Trong khi đó, dệt may Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021 kim ngạch xuất khẩu quay trở lại ngưỡng 2019. Như vậy, ngành dệt may phấn đấu về đích sớm hơn so với sự phục hồi của thị trường từ 3-6 quý và đây là một thách thức lớn.

Ông Lê Tiến Trường cho hay, tín hiệu từ thị trường trong quý 1/2021 cho thấy, dự báo và hướng phấn đấu nói trên của doanh nghiệp dệt may là có cơ sở thực hiện được.

Hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi chúng ta đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch COVID-19 năm 2020.

Trong thời gian tháng 2/2021, khi dịch COVID-19 trở lại miền Bắc, với ổ dịch tại Hải Dương có quy mô lớn, thì thách thức và nguy cơ cũng lớn hơn cho ngành dệt may Việt Nam.

Nếu như năm 2020, dịch bệnh diễn biến trên toàn thế giới một cách bất ngờ, khiến chuỗi cung ứng dừng lại, người mua không nhận hàng, không đặt hàng. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất của doanh nghiệp, các chế lương, bảo hiểm... cho người lao động.

Năm 2021 này, tình hình dịch bệnh đã khác đi, nếu để xảy ra dịch bệnh ở cơ sở, phải cách ly không thể tổ chức sản xuất, ngoài việc bị thiệt hại về tiền lương, chế độ cho người lao động, các doanh nghiệp của Việt Nam còn không thể hoàn thành được hợp đồng kinh tế đã ký kết với khách hàng. Đây là thách thức và rủi ro vô cùng lớn, là nguy cơ với tất cả các doanh nghiệp dệt may.

Bên cạnh việc bị thiệt hại trong cam kết tài chính với khách hàng, thì trong dài hạn, vị trí của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng lung lay và có thể bị thay thế, nhất là trong bối cảnh hiện nay, quy trình tái bố trí lại chuỗi cung ứng đã đẩy nhanh hơn.

Chính vì thế, việc kiểm soát dịch bệnh ở các doanh nghiệp doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng phải đảm bảo ở mức độ cao hơn, chặt chẽ hơn.

Ông Lê Tiến Trường cho hay, lần này do biến chủng virus khiến tốc độ lây lan nhanh hơn, nên có 3 giải pháp chính mà doanh nghiệp cần tập trung thực hiện.

Một là doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp cần nâng mức độ phòng chống dịch bệnh lên cao nhất, bao gồm thực hiện nghiêm túc chế độ 5K do Bộ Y Tế đề ra, thực hiện giãn cách trong doanh nghiệp, khử khuẩn, sát trùng, đeo khẩu trang với người lao động cả trong quá trình làm việc, giãn cách trong nhà ăn tập thể.

Hai là đối với người lao động đến từ vùng dịch thì chưa đến nhà máy làm việc, đảm bảo giãn cách đủ 21 ngày, sau đó đi kiểm tra có kết quả âm tính thì mới đi làm trở lại.

Doanh nghiệp cam kết hỗ trợ cho những lao động phải giãn cách ở nhà mức lương tối thiểu để họ yên tâm rằng họ sẽ có việc làm trong thời gian tới, vận động toàn bộ người lao động nghiêm túc thực hiện phòng dịch trong cộng đồng, không tụ tập ngoài giờ, không tham gia các sinh hoạt cộng đồng có đông người.

“Cuối cùng là thực hiện nghiêm túc tập trung sản xuất kinh doanh, đảm bảo năng suất, chất lượng trong giai đoạn bản lề phấn đấu đạt ngưỡng năm 2019 để phục hồi về tài chính, đơn hàng và vị trí mới của chúng ta trong chuỗi cung ứng, mạnh mẽ hơn so với vị trí đã có từ trước,” ông Trường nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục