Doanh nghiệp dệt may đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đón cơ hội phục hồi

Mặc dù thị trường dệt may vẫn khó về giá cả, cạnh tranh về đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp nên vẫn giữ được mối quan hệ với các bạn hàng.
Doanh nghiệp dệt may đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đón cơ hội phục hồi ảnh 1Doanh nghiệp dệt may đầu tư công nghệ, thích ứng với những đòi hỏi cao của thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đơn hàng cải thiện, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm may mặc, thời trang tại một số thị trường lớn đã có tín hiệu hồi phục, tạo đà cho việc thúc đẩy tiêu thụ mặt hàng này. Nhiều doanh nghiệp đã bước vào chặng đường nước rút cho việc thực hiện kế hoạch tăng trưởng những tháng cuối năm...

Thị trường ấm lên

Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 8/2023 ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD, tương đương với tháng 7. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong 3 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã tăng trở lại từ mức đáy hơn 3 tỷ USD của tháng 5. Các đơn hàng cho quý 4 tại nhiều doanh nghiệp đã nhiều hơn trước.

Với 15 nhà máy may và 17.000 lao động, đại diện Công ty TNG cho biết trong tháng 8, doanh thu tiêu thụ của đơn vị đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so vói cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đạt 4.837 tỷ đồng, tăng 132 tỷ đồng, (tương ứng tăng 3%) so với cùng kỳ và hoàn thành 71% kế hoạch năm.

[Phát huy năng lực, tận dụng cơ hội thị trường để tăng tốc]

Trong khi đó, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ, 8 tháng đầu năm 2023 với doanh thu hợp nhất đạt 3.231 tỷ đồng bằng 88% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 72% kế hoạch năm 2023; Kim ngạch xuất khẩu đạt 80 triệu USD, bằng 90% so với cùng kỳ 2022 và bằng 80% kế hoạch 2023 (trong đó xuất sang thị trường Mỹ 46%, châu Âu 14%, châu Á 28% và các thị trường khác là 12%). Lợi nhuận riêng của Hòa Thọ ước đạt 155 tỷ đồng, bằng 69% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 82% so với kế hoạch năm 2023…

Dự báo tình hình thị trường, doanh nghiệp cho rằng, thị trường vẫn còn thấp trong nửa đầu năm 2024, do vậy Hòa Thọ sẽ tập trung hoàn thiện các dự án đang triển khai, bao gồm: nhà máy may Triệu Phong giai đoạn 3; cải tạo nhà xưởng may Quảng Ngãi; đầu tư chiều sâu đổi mới công nghệ máy móc thiết bị để nâng cao hiệu quả sản xuất; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số và triển khai công tác chuẩn bị đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu và Phát triển của ngành May.

Đánh giá về ngành dệt may, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan Thành phố Hồ Chí Minh nhìn nhận, thị trường dệt may những tháng cuối năm đã ấm lại và dần ổn định. Cụ thể hơn, về đơn hàng tuy còn thiếu nhưng các doanh nghiệp vẫn đảm bảo việc làm cho công nhân trong quý 4, sụt giảm về doanh thu và khó khăn cũng bớt đi.

Doanh nghiệp dệt may đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đón cơ hội phục hồi ảnh 2Người lao động của May 10 đều được đào tạo chuyên môn và tay nghề cao. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Có được kết quả này là thời gia qua tính trạng giảm sút trong ngành dệt may kéo dài, do vậy khi nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm dệt may phục hồi trở lại, các thị trường cũng có nhu cầu mới.

“Mặc dù thị trường dệt may vẫn khó về giá cả, cạnh tranh về đơn hàng nhỏ lẻ, mẫu mã khó và phức tạp hơn, nhưng với nỗ lực của các doanh nghiệp để đáp ứng được các yêu cầu đó nên vẫn giữ được mối quan hệ với các đối tác,” ông nói.

Đón bắt các yêu cầu của thị tường

Hiện nay, nhiều quốc gia đang áp dụng các tiêu chuẩn xanh đối với hàng nhập khẩu, trong đó có dệt may. Vì vậy, để thích ứng với thị trường và nâng kim ngạch xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp trong nước đã đầu tư mạnh cho công nghệ, chuyển hướng sang phát triển xanh và bền vững.

Ông Hoàng Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty ALIGRO cho biết để phát triển bền vững, ALIGRO sẽ áp dụng công nghệ và chuyển đổi số vào việc quản lý nhân sự để tiết kiệm thời gian, gia tăng hiệu quả của hoạt động quản trị.

Cùng với đó, doanh nghiệp chủ trương xây dựng chiến lược kinh doanh song song với chiến lược phát triển nguồn nhân lực, lựa chọn hình thức đào tạo và phát triển phù hợp để có thể nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các đòi hỏi mới.

Còn theo ông Nguyễn Đăng Lợi, Tổng Giám đốc Doximex cho biết, thay vì bị động và phụ thuộc theo kế hoạch của khách hàng, Doximex đã chủ động từ nguồn nguyên phụ liệu, thiết kế để chào hàng đối tác. Đón bắt yêu cầu mới của thị trường, khách hàng, Ban lãnh đạo Công ty đã thành lập Ban nghiên cứu và phát triển sản phẩm (từ tháng 6/2022) với nhân sự điều hành là lãnh đạo cấp cao, cán bộ kỹ thuật và có sự hỗ trợ, tham gia từ phía khách hàng để tiến hành khảo sát, nghiên cứu thị trường và thị hiếu khách hàng.

Thực tế tại nhiều doanh nghiệp cũng thấy rõ sự chuyển bước tiến tích cực cả về sản xuất và xuất khẩu, qua đó khẳng định thương hiệu Dệt may Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho hay, việc xanh hóa trong hoạt động sản xuất cũng như xanh hóa các sản phẩm dệt may không chỉ có ý nghĩa chiến lược của May 10 mà của chung ngành dệt may Việt Nam, bởi lẽ Chính phủ đã cam kết với COP26 tới 2050 sẽ giảm phát thải ròng bằng 0 và sản xuất xanh bền vững.

Bên cạnh đó, rất nhiều nhà nhập khẩu những thương hiệu thời trang hàng đầu châu Âu họ đã tiên phong cam kết phát triển bền vững với việc sản xuất xanh, tạo ra các sản phẩm xanh… Đây là một trong những yếu tố cho dù muốn hay không, kể cả chi phí đầu tư lớn, nguồn nhân lực phải qua đào tạo để tiếp cận sản xuất xanh, nhưng đó là điều bắt buộc trong xu thế tương lai.

Bản thân May 10 cũng đã chuyển dịch theo hướng sản xuất xanh trong vòng 5 năm trở lại đây bằng việc đầu tư các thiết bị, sử dụng tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu mang tính tái tạo như: điện Mặt Trời mái nhà, sử dụng nguyên liệu đốt trong lò hơi dần chuyển từ than sang điện.

Mặt khác, các sản phẩm của May 10 sản xuất ra cũng ký với các nhà cung ứng nguyên liệu theo hướng tăng dần tỷ trọng sợi tái chế trong sản phẩm vải, cũng như sợi hữu cơ đối với những sản phẩm mới để nằm trong yêu cầu về xu thể sử dụng các sản phẩm xanh, nhà máy xanh và năng lượng xanh.

Doanh nghiệp dệt may đáp ứng các tiêu chuẩn cao, đón cơ hội phục hồi ảnh 3Sản xuất xanh là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với các đơn hàng nhỏ lẻ, May 10 có những chiến lược biến từ khó khăn thành lợi thế. Theo đó, May 10 đã đầu tư đội ngũ nguồn nhân lực cũng như công nghệ, đặc biệt trong những năm gần đây doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số từ khâu kiểm soát nguyên liệu đến khâu thiết kế sản phẩm, phát triển sản phẩm và tổ chức sản xuất… để xử lý một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

"Trong thời điểm hiện nay khi một số đơn hàng số lượng lớn, mặt hàng cơ bản đang bị giảm sứt sâu do tổng cầu thế giới giảm thì lợi thế của May 10 là tiếp cận được các đơn hàng nhỏ, đòi hỏi trình độ tay nghề và quản lý rất cao. Đó cũng là lý do trong tình hình chung hiện nay, các đơn hàng xuất khẩu giảm sâu nhưng tốc độ giảm của May 10 ít hơn vì doanh nghiệp tiếp tục phát huy lợi thế của mình về những đơn hàng nhỏ lẻ, kết cấu phức tạp, đòi hỏi chất lượng cao, thời gian giao hàng nhanh," ông Việt cho hay.

Để giải quyết những thách thức toàn cầu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng nhấn mạnh một số điểm then chốt đối với các doanh nghiệp dệt may, đó là việc phát triển bền vững và xanh hóa, đầu tư hạ tầng các nhà máy đạt các tiêu chuẩn đánh giá của các nhãn hàng, khách hàng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải đầu tư và sử dụng những sản phẩm thiên nhiên là Năng lượng Mặt Trời, năng lượng áp mái. Tuân thủ và triệt tiêu được những đòi hỏi và thách thức của toàn cầu, đó là không sử dụng các nồi hơi đốt bằng than, dầu, củi… nhằm thực hiện mục tiêu tại hội nghị COP 26 mà Chính phủ đã ký và cam kết…/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục